ƯỚC MONG THẾ GIỚI LÂN HÒA HẢO,NHÀ PHẬT CON TIÊN HÉ MIỆNG CƯỜI
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

ƯỚC MONG THẾ GIỚI LÂN HÒA HẢO,NHÀ PHẬT CON TIÊN HÉ MIỆNG CƯỜI


 
Trang ChínhPortalGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Top posters
Admin (4642)
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Vote_lcapNHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  I_voting_barNHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Vote_rcap 
Latest topics
» Phải Thiệt Ăn Chay, Không Ăn Ngũ Vị Tân, Tụng Kinh Là Gì.. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh,95 Tuổi
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 4:00 am

» Hòa Thượng Thích Trí Tịnh kể chuyện bị quỷ vương tuyên chiến
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:56 am

» Lễ Khánh Tuế Hòa Thượng Thích Trí Tịnh - 95 Tuổi
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:54 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2010 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:53 am

» KHAI THỊ CHÚC TẾT 2010 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:52 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2012 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:51 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2013 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:50 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2008 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:50 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2011 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:49 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 1993 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:48 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2009 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:45 am

» VẤN ĐÁP PHẬT PHÁP 1994 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:44 am

» PHÁP MÔN NIỆM PHẬT- HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:44 am

» HƯƠNG QUÊ CỰC LẠC Trọn bộ | Hoà Thượng Thích Thiền Tâm
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:39 am

» Tịnh Độ Quyết Nghi (Trọn bộ) - HT Thích Thiền Tâm
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:38 am

» Kinh Niệm Phật Ba La Mật | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm cẩn dịch
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:37 am

» BÍ MẬT về CUỘC ĐỜI & ĐẠO NGHIỆP của HT. Thích Thiền Tâm
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:37 am

» Câu Chuyện kể Về Cố Hòa Thượng - THÍCH THIỀN TÂM
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:35 am

» TÍN NGUYỆN HẠNH PHẢI TU ĐẾN TÂM THANH TỊNH
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Fri Jul 01, 2022 4:00 am

» NIỆM TÂM THAM SẼ BIẾN THÀNH NGẠ QUỶ
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeby Admin Fri Jul 01, 2022 3:53 am


 

 NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin

Admin


Nam Libra Rooster
Tổng số bài gửi : 4642
Points : 12266
Reputation : 0
Birthday : 19/10/1981
Join date : 23/08/2009
Age : 42
Đến từ : TÂN CHÂU
Job/hobbies : KỸ SƯ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Empty
Bài gửiTiêu đề: NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO    NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO  Icon_minitimeFri Feb 10, 2012 5:51 am

Một khi đã nhận mình là Phật tử, nghĩa là con Phật thì ít ra mình cũng phải có, hoặc tập tành những đức tánh cao quí của các đấng Như Lai. Là người Phật tử nên:

**Phát tâm làm lợi ích cho tất cả chúng sanh mọi loài.

**Giúp đỡ mà không phân biệt sang, hèn, thù hay bạn.

**Luôn luôn tự hạ mình mà bỏ đi cái cống cao ngã mạn.

**Phải thương xót chúng sanh mọi loài một cách chân thật.

**Phải luôn luôn dùng lời ái ngữ, dịu dàng.

**Đối với các chúng sanh thường khởi lòng Từ Bi.

**Thường tìm cầu học hỏi giáo pháp mà tâm không nhàm chán; nghe giáo pháp không bao giờ thấy đủ,

**Thường hay xét lỗi mình chứ không nói chỗ phạm của người khác.

**Việc thiện dù nhỏ cũng làm; việc ác dù nhỏ cũng quyết tránh.

**Luôn luôn nhẫn nhục và tinh tiến.

**Phải biết xa rời tâm nhỏ hẹp để thực hành đức hạnh bao la.

**Phải biết giao du với bạn lành mà xa lìa bạn ác.

**Phải phát tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả.

**Làm phước mà không cầu quả báo.

**Phải luôn luôn lấy giới luật làm thầy.

**Không nẩy lòng sân hận, cũng không buông lòng ái dục.

**Phải tránh nhân quả báo ứng óan thù.

**Phải luôn biết ăn năn lỗi trước và chừa bỏ lỗi sau.

Người Phật tử mà hành trì được những điều trên đây thì chẳng những thân tâm mình thường an lạc, mà những người quanh ta cũng được an lạc.



206. THẾ NÀO LÀ THANH TỊNH TRONG ĐẠO PHẬT?

Chúng ta đã nói rất nhiều về chữ tu và tu làm sao cho được thanh tịnh. Cũng như rất nhiều Phật tử đã đề cập đến vấn đề thanh tịnh, nhưng lại không thấu triệt được hết mạch nguồn của thanh tịnh. Thanh tịnh là căn bản của người tu Phật, và là cội nguồn của một xã hội văn minh. Cho nên bất luận trong đạo hay ngoài đời ta phải tu tập đức thanh tịnh. Đức Phật đã dạy: "Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương." Nghĩa là hễ thân, miệng, ý mà trong sạch, sẽ được sanh về cõi Phật như chư Phật vậy. Tuy nhiên, cái thanh tịnh mà ta nói ở đây, ở cõi nước tạm bợ nầy, chỉ là sự thanh tịnh tương đối mà thôi; chỉ khi nào ta tu cho dứt được sanh tử thì khi ấy cõi tịnh tịch mới là vĩnh hằng.

Khi nói đến thanh tịnh thì ta phải hiểu là thanh tịnh cả căn, trần và thức. Phật giáo không chủ trương duy vật hay duy tâm, mà Phật giáo tin theo thuyết duyên sinh. Duyên sanh có nghĩa là vạn vật do duyên hòa hợp mà có. Đối với Phật giáo, con người là do sự kết hợp của sinh lý, vật lý và tâm lý. Nếu thiếu một trong ba thứ nầy thì không có sự tổng hợp nào cả. Sinh lý ở đây chỉ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Vật lý ở đây chỉ sáu trần (ngoại cảnh); và tâm lý chỉ sáu thức.

Căn, trần, và thức là một cái đỉnh ba chân; thiếu một chân thì đỉnh không thể nào đứng được. Sáu trần và sáu thức phải nhờ môi giới của sáu căn để tác dụng. Trần (ngoại cảnh) và thức mà không có căn thì không có tác dụng gì cả. Thí dụ như nói là cảnh đẹp, mà không có mắt thấy cảnh thì không có gì xãy ra cả. Sáu trần và sáu căn mà không có thức thì không có sự phân biệt. Tương tự, sáu căn và sáu thức phải có trần (ngoại cảnh) mới có công dụng. Thí dụ mặt hồ, bóng phản chiếu và sự thấy bóng phản chiếu; trần là cái mặt hồ, nhờ căn và thức phối hợp mà ta biết có cái bóng phản chiếu trên mặt hồ.

Sáu căn là những cấu tạo sinh lý nơi con người như mắt, tai, mũi lưỡi, thân, và ý; mà trong đó ý là thần kinh não bộ, là chỉ huy sở. Còn sáu thức tác dụng giữa tâm lý bên trong và những hiện tượng vật lý bên ngoài. Mắt có thần kinh thấy; tai có thần kinh nghe; mũi có thần kinh ngửi; lưỡi có thần kinh nếm; thân có thần kinh tiếp xúc; và cuối cùng ý phát ra từ chỉ huy sở của thần kinh não. Có cảnh bên ngoài mà không có ai làm môi giới thì đâu có thức để mà biết cảnh. Thí dụ một người mù là người thiếu mất thần kinh thấy; đứng trước cảnh trăm hoa đua nở, người ấy vẫn bình thản như thường. Thế mới biết có trần mà không có căn thì thức cũng đành thúc thủ.

Sáu trần là những ngoại cảnh thuộc về màu sắc, âm thanh, mùi, vị, mềm, cứng, nóng, lạnh... Lúc sáu căn tiếp xúc với sáu trần là lúc mà màu sắc được con mắt thấy; âm thanh được lỗ tai nghe; mùi được lỗ mũi ngửi; vị được lưỡi nếm; mềm, cứng, nóng, lạnh được thân tiếp xúc; và pháp được ý nhận biết. Do nơi sáu căn tiếp xúc sáu trần mà sản sanh ra sáu thức. Thức dùng để phân biệt và ghi nhớ. Một người chết đã mất đi sáu căn thì dù có trần hiện diện, thức cũng không có tác dụng.

Như trên ta đã thấy sự liên hệ dây chuyền của căn, trần và thức. Trong ba thứ nầy, tuy căn chỉ là những sinh lý bình thường, nhưng hễ cột được nó, đương nhiên nó không chạy theo trần được, thì tự nhiên bất chiến tự nhiên thành, thức cũng bị ta ràng buộc nốt. Chính vì vậy mà ta thường nghe tu cho sáu căn thanh tịnh. Hễ sáu căn đã thanh tịnh rồi thì trần và thức cũng thanh tịnh. Từ vô thủy đến nay, mọi tội lỗi đều do sáu căn tạo ra. Như mắt tham sắc; tai tham nghe; mũi tham ngửi; lưỡi tham nếm vị ngọt ngon; thân tham tiếp xúc với những êm dịu; và ý tham vui. Tham mà không được thì sanh ra sân hận; tham quên mất đạo lý và lẽ phải; tham sanh ra si mê. Chính từ tham, sân, si mà ta phải mang những phiền não vì muốn mà không được, hoặc vì quá muốn mà ta quên mất lẽ phải và đạo lý mà làm điều càng bậy rồi phải ân hận cả đời, ấy là phiền não. Rồi cứ như thế mà ta cứ mãi quanh quẩn trong vòng luân hồi sanh tử.

Ta đã thấy rõ sáu căn buông lung là cội rễ của tội lỗi, phiền não, và luân hồi sanh tử. Muốn được thanh tịnh và thoát ly khỏi sanh tử luân hồi, con đường duy nhất của người Phật tử là hãy đến quỳ trước đài vô thượng giác mà thành khẩn, mà công phu tu trì cho được giới, định và huệ. Nói là giới, định và huệ, chứ thực ra chỉ cần ta giữ cho được giới và định thì trí huệ tự nhiên phát sanh. Muốn đạt được giới và định thì ta phải tu cả thân lẫn tâm. Thân thì cột sáu căn, còn tâm thì định tỉnh loại bỏ đi những niệm xấu. Loại bỏ bằng cách nào? Hãy nhìn mà học theo cái gương của Đức Từ Phụ năm xưa; Ngài đã thiền dưới cội Bồ Đề suốt 49 ngày đêm để đạt đến đại định. Ngài đã thành Phật vì Ngài có cái tâm kiên cường và định tỉnh. Phật tử nếu thấy mình hãy còn cái thân tâm buông lung thì hãy ngay từ bây giờ nên loại bỏ những hành vi bất thiện. Làm sao để loại bỏ những hành vi bất thiện? Chính Đức Thế Tôn đã dặn dò các đệ tử là về sau nầy không có Ngài, các đệ tử nên lấy giới luật làm thầy. Ngài đã dặn dò ngoài việc định tâm, giới chính là cái bánh lái đưa thuyền giác ngộ đáo bỉ ngạn. Như vậy ý của Phật là muốn tu thân phải giữ giới để cho những chuyện xấu xa không thể lọt vào các căn mà kéo cái thức dậy. Từ đó không gieo rắc vào nội tâm những hạt giống luân hồi.

Thanh tịnh có dễ hay không? Đường tu không dễ thì đường thanh tịnh cũng không dễ. Tuy nhiên, không dễ không có nghĩa là không làm được. Là Phật tử chân chánh ta quyết tâm noi theo gương của Đức Từ Phụ, quyết giữ gìn giới luật của nhà Phật. Lúc nào cũng coi giới luật như là những dụng cụ dập tắt lửa tham, sân, si và ái dục, nên lúc nào cũng mang giới luật theo bên mình. Hễ những thứ lửa ấy nổi lên là ta dập tắt ngay; quyết không cho một đốm lửa, dù nhỏ, ngun ngún trong ta. Được như vậy thì cho dù xem thử, nghe thử, ngửi thử, mặc thử... ta cũng quyết không làm. Vì hễ còn làm là còn ham thích, là còn không bỏ; mà không bỏ thì làm gì được thanh tịnh. Xin hãy đừng chạy theo cảnh, dù cảnh đẹp; đừng chạy theo âm thanh, dù êm dịu; đừng để ý đến những mùi hương, dù là hương thơm tuyệt diệu; đừng nếm, dù là mỹ vị; đừng tiếp xúc, dù là tươi mát; đừng chạy theo pháp; đừng để cho giác quan sinh lý của ta chuyển theo cảnh hư huyễn của trần tục nữa. Có được như vậy, không đợi gì Niết Bàn bên kia, mà là hiện tại đã là một Niết Bàn tương đối an lạc và tự tại rồi.



207. NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO



Dưới đây là những lời hay trong lẽ đạo mà Thiện Phúc đã ghi lại được trong những lúc đàm đạo với những đạo hữu Thiện Đức, Minh Tuấn, Minh Hạnh, và Minh Bình; hoặc trong những lần may mắn được đàm đạo với các Thầy. Thiện Phúc xin được chia xẻ cùng các đạo hữu khác để chúng ta cùng được hưởng sự lợi lạc. Trước hết Thiện Phúc xin chân thành cảm tạ quý thầy và quý đạo hữu đã cho Thiện Phúc có cơ hội học hỏi và tăng trưởng trí huệ trên con đường đi về đất Phật.

**Tu là biết nhường nhịn và không phiền giận.

**Tu là không nói hành nói tỏi ai.

**Tu là nhìn mình chứ không nhìn người.

**Tu là không để cho tâm mình buông lung, mà phải biết dùng giới luật để buộc nó lại.

**Tu là cố gắng làm những điều lành và lánh xa những điều ác.

**Tu là không vướng mắc thị phi.

**Tu là giữ gìn từng lời ăn tiếng nói.

**Tu là cầu học cho được cái trí huệ của Phật; phải tham thiền nhập định, chứ không mãi mê sự vui khổ ngoài đời.

**Tu là không mê tín. Mê tín sẽ không bao giờ thấu đáo được chân lý. Mê tín sẽ không bao giờ hiểu được lời Phật dạy, hoặc hiểu sai lệch đi.

**Tu là tìm đến với chân lý.

**Tu là tin và làm theo Phật chứ không phải mãi theo hầu Ngài.

**Ai cũng tu được, vì hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Nếu tu y như Phật thì sẽ thành Phật.

**Tu là bỏ đi cái cảnh giả của cuộc đời với bao nhiêu đau khổ, phiền não để đi vào cái cảnh chân thật của thanh tịnh.

**Tu là không còn tham tương tranh lợi lạc.

**Tu là xóa bỏ mọi hiềm khích, giận hờn và tham vọng.

**Tu là nhìn vinh hoa phú quí như bọt bèo.

**Tu là nhìn lợi danh và uy quyền như ánh điện chớp; chúng đến rồi đi trong khoảnh khắc.

**Tu là chẳng màng đến công danh, sắc đẹp và tiền tài.

**Tu là không bao giờ thay đổi, dù vui khổ, dù tiền tài, dù danh lợi.

**Tu là không hãm hại ai.

**Tu là biết quan sát lòng mình.

**Tu là không nói chuyện thị phi của người.

**Tu là luôn nhớ rằng tạo ác nghiệp thì phải lãnh ác báo.

**Tu là luôn hiểu rằng đời là biển khổ; muốn sống trong cái biển ấy mà đừng khổ thì trước tiên phải nghe theo những gì mà Đức Từ Phụ đã dạy để diệt cái khổ đi đã.

**Tu là luôn biết hậu quả của chuyện mình làm.

**Tu là thà nghèo, chứ không làm giàu trong bất chánh.

**Cái báo thù hay nhứt của người biết tu là không bao giờ báo thù.

**Tu là biết nuôi dưỡng lòng Từ Bi nơi ta.

**Tu là xem vinh hoa phú quí như gió thoảng mây bay; xem cuộc đời như ánh điện chớp.

**Tu là biết sống hòa hiệp với mọi người chứ không mạnh được yếu thua.

**Tu là biết luật vô thường nó chẳng thiên vị một ai.

**Tu là biết hoa sớm nở tối tàn; đời người mới trẻ đó rồi già đó, có khác gì nụ hoa kia đâu.

**Tu là không lầm chấp để gây thêm chướng nghiệp.

**Tu là biết rằng tất cả sự việc trên đời nầy đều giống như sương mai trên đầu cỏ; ánh ban mai vừa ló dạng thì nó cũng tan biến theo.

**Tu là biết cuộc đời là giả tạm, là sinh tử luân hồi.

**Tu là biết không ngọn lửa nào bằng ngọn lửa tham ái; không phiền não nào bằng sân hận; không khổ đau nào bằng ngũ uẩn; không nguy hại nào bằng dục tình; và không ngu dại nào bằng si mê.

**Tu là biết bỏ qua đi những gì đã qua và không bận tâm lo cho chuyện gì chưa tới.

**Tu là chẳng màng việc hơn việc thua.

**Hễ mình còn nghĩ tới danh lợi là mình chưa tu.

**Tu là biết giữ cho tâm bình thường trước mọi dao động.

**Tu là không còn màng đến nhục, vinh nữa.

**Tu là nên biết sự nguy hiểm của đồng tiền; đồng tiền làm thế gian thay đen làm trắng; thẳng hóa xiêng; trí hóa ngu...

**Tu là biết giữ cho tâm mình đừng nóng giận; biết lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; biết dòm ngó mình chứ không dòm ngó người; biết an phận thủ thường; biết đủ; biết khiêm tốn khi đắc thắng; biết nhập gia tùy tục chứ không khư khư giữ lấy tục mình.

**Tu là biết bớt ham, bớt lo, bớt hung dữ, bớt tranh tụng.

**Tu là biết nói cái gì đáng nói, và không nói cái gì không đáng nói; biết những gì đáng biết, và không biết những gì không đáng biết.

**Tu là biết thì nói biết; không biết thì nói không biết.

**Tu là biết chịu trách nhiệm những gì mình đã làm, sắp làm, và cũng chịu trách nhiệm những gì mình đã sai người khác làm, hoặc những gì mình cản không cho người khác làm.

**Tu là biết tự răn mình về sắc đẹp, dục tình, nóng giận, si mê, lòng ích kỷ và bỏn xẻn.

**Người tu không hứa bậy; không tin bậy; không nghe bậy và cũng không làm bậy.

**Tu là biết rằng ngã mạn, cống cao, gian tham, ái nhiễm và ỷ lại là những liều thuốc độc.

**Tu là biết bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí huệ là con đường đưa ta đến giác ngộ và giải thoát.

**Tu là biết tự xử án lấy mình.

**Tu là có tâm bình đẳng khi bố thí; không bao giờ hỏi tại sao người cầu giúp đở; không có ý lợi dụng kẻ được bố thí; không bố thí rồi sung sướng mà tự khen ngợi lấy; không chỉ nói suông mà chẳng cho gì cả; không cho rồi ác khẩu mắng chửi; không cho rồi sanh lòng nghi; không cho rồi đem lòng tiếc; không cho rồi cầu được đền đáp.

**Người biết tu sẽ mỉm cười trước những lời vu cáo; coi chúng như dọc đường gió bụi.

**Tu là biết làm con người khó được vẹn toàn; có khi ta hơn người, nhưng lắm khi người hơn ta.

**Tu là biết mình đang sửa tánh trau tâm.

**Tu là không cần thấy tật xấu của người, mà phải mau lo diệt tội lỗi của mình.

**Tu là luôn biết vạn vật vô thường mãi tụ tan; hoa thì sớm nở tối tàn; đời người thì nhanh như ánh điện chớp.

**Tu là luôn biết nhiều tội lỗi gây ra bởi tiền tài và danh vọng.

**Người biết tu là người không nịnh bợ ai; không tâng bốc ai; không kiêu căng mà cũng không khinh khi ai.

**Người tu luôn nhớ rằng người nào giữ của bo bo mà không bố thí cho kẻ nghèo, thì chỉ là hạng người làm nô lệ cho vật chất và tôi mọi cho đồng tiền.

**Người tu luôn thích làm điều lành, vì tuy phúc chưa tới mà họa đã đi xa.

**Người tu luôn soi gương lòng; hễ thấy có dơ bẩn thì lau rửa ngay.

**Người tu luôn mang ơn những ai chỉ trích lỗi lầm của mình.

**Lúc chưa tu như thuyền xuôi gió đi vào địa ngục; lúc tu rồi như thuyền chèo ngược gió đi về đất Phật, tuy có chậm nhưng đi đúng đường.

**Người tu lúc nào cũng có cái tâm rộng để tha thứ; cái tâm trong sạch để cầu học; cái tâm bình đẳng để luận bàn; và cái tâm định tỉnh để đi đến giác ngộ.

**Người tu như vàng đem bỏ vào lửa; nếu là vàng thiệt thì không sợ gì lửa đốt cháy tan.

**Người tu là người biết rõ con người sanh ra với tiếng khóc nhưng sẽ đi vào cõi tịnh tịch với tiếng cười.

**Người tu luôn biết rằng nếu trách người mà trách vô lý là mình điên; giận người mà giận vô cớ là tự mình làm khổ lấy mình.

**Người tu lúc nào cũng biết rằng cho dù suốt đời làm lành cũng chưa đủ; mà phải cột chặt cái tâm mình lại, đừng cho nó tiếp tục dong ruổi nữa.

**Người tu làm ơn chớ nhớ, thọ ơn chớ quên.

**Người tu nên luôn nhớ rằng nếu mình còn được nhiều người yêu thích là mình sẽ còn bị kẹt vào một cái thế rất khổ.

**Người tu luôn hiểu rằng cho dù ăn ở hiền lành mà lắm khi thọ nạn; ấy là nghiệp trước còn mang. Hiểu như vậy để đừng trách ai mà vương thêm nghiệp mới.

**Tu là thấy người giỏi không ganh; thấy người dở không khinh.

**Người tu khi làm việc thiện không sợ thất bại; nói việc thiện không sợ bị chê cười; ở không sợ không vừa lòng; và đi không sợ không đến chốn.

**Người tu muốn sống không sát hại; muốn an ổn không gian tham trộm cướp; muốn sung sướng thì đừng làm khổ ai.

**Người tu thường tìm hỏi xem người nói như vậy có nghĩa gì, chứ không kết luận hàm hồ.

**Người tu không cầu được nổi trên mặt nước, hoặc bay được trên không; vì như vậy có hơn chi cọng rác hay con ruồi, có ích gì cho ai đâu, mà có khi còn có hại. Người tu là cần mở rộng tình thương đến cho muôn loài và chế ngự được tâm mình.

**Người tu luôn biết rằng thường nghe những câu trái tai, thường gặp những chuyện gai mắt; ấy chỉ là cơ hội mài dũa cái tâm mình mà thôi.

**Người tu luôn biết rằng cái khổ của con người không phải là ở sự nghèo đói, nghịch cảnh, hoặc chết chóc; mà là không hiểu được nguyên nhân của cái khổ và không biết sanh ra để làm gì.

**Người tu thường làm những gì mình đã khuyên bảo kẻ khác.

**Người tu biết làm điều lợi và biết trừ điều hại.

**Người tu nghe chó sủa không dừng lại để nghe.

**Tu là biết rằng tham dục nẩy mầm đau khổ và sợ hãi.

**Tu là luôn nghĩ phải làm một điều gì đó có lợi cho người khác.

**Tu là biết giữ cho tâm mình lúc nào cũng chỉ có một tư tưởng xứng đáng; hễ vọng niệm chen vào là phải loại nó ngay.

**Tu là chấp nhận không vị kỷ, mà vị tha.

**Tu là luôn biết rằng kẻ thù làm hại ta nhất là sự tham dục, lòng đố kỵ và ganh ghét trong ta.

**Tu là luôn thương tưởng đến những người bất hạnh.

**Tu là luôn biết rằng chuyện gì rồi cũng sẽ qua đi; thời gian sẽ chữa lành tất cả các vết thương.

**Tu là không bao giờ dùng lời lẽ thô lỗ và thiếu nhã nhặn để sỉ vả hay bắt bẻ ai.

**Tu là không bao giờ tìm cách chống chế cho những lỗi lầm mà mình đã tạo ra.

**Tu là biết can đảm đương đầu với những chỉ trích.

**Tu là biết rằng những tật xấu mà ta nhìn thấy ở người khác là phản ảnh những tật xấu của chính bản thân ta.

**Tu là biết rằng trên đời nầy không có cái gì là của ta cả; chẳng qua chúng đến với ta trong khoảnh khắc rồi chúng lại đi.

**Tu là chẳng bao giờ hối tiếc cái bóng mờ của dĩ vãng.

**Tu là biết rằng thiện và ác nghiệp sẽ theo ta qua bên kia đáy mồ và sự luân hồi sanh tử của ta.

**Tu là biết mưu cầu hạnh phúc cho mình mà không làm gì phương hại đến kẻ khác.

**Tu là biết rằng của cải vật chất chỉ xây dựng được căn nhà cho ta tạm trú, chứ không xây dựng được ta.

**Tu là biết thanh lọc những ý nghĩ bất tịnh trong tâm ta.

**Tu là biết rằng trong tương lai ta sẽ phải nhận lãnh tất cả những gì mà ta đang tạo tác trong hiện tại.

**Người tu không cầu đợi Niết Bàn ở đời sau mà hưởng Niết Bàn ở ngay đời nầy.

**Tu là biết rằng hạnh phúc không bao giờ đi đôi với giận hờn, oán ghét, vị kỷ và những tư tưởng sai lầm.

**Tu là không bao giờ trách ai; mà biết rằng đau khổ hay hạnh phúc là do chính ta tạo nên nếu không ở đời nầy thì cũng ở đời quá khứ.

**Tu là biết rằng một khi tâm trí con người được rèn luyện, nó sẽ chẳng những có ích cho người đó, mà còn có ích cho mọi người chung quanh.

**Tu là biết tự tin nơi chính mình, chứ không ngồi chờ sung rụng.

**Tu là không bao giờ tin tưởng mù quáng ở bất cứ ai.

**Tu là biết triển khai kỷ luật nơi chính mình; biết dùng lòng từ bi và trí huệ để chấm dứt mọi đau khổ và sợ hãi.

**Tu là biết rằng ta phải tự giác ngộ và giải thoát, chứ không ai giác ngộ và giải thoát dùm ta.

**Tu là biết rằng tin theo tha lực là chỉ đưa đến sự ỷ lại, sợ hãi và dị đoan mà thôi.

**Tu là biết rằng thiện nghiệp như những hương thơm; ta không thể nào rót nó vào người khác mà không vương vài giọt trên người ta.

**Tu là biết rằng bộ đồ mà ta đang mặc chỉ tô điểm cái thân xác ta, chứ nó không làm cho ta đẹp.

**Tu là biết rằng chỉ có phẩm hạnh mới làm cho ta đẹp mà thôi.

**Tu là không màng đến sự biết ơn của kẻ khác, nó như những đóa hồng đầy gai thôi.

**Tu là không kể đến sự bội ơn của người, nó như là loài cỏ dại bên đường.

**Tu là luôn biết giá trị của lòng Từ Bi Hỉ Xả, thành thật và siêng năng lúc nào cũng là những phẩm hạnh cao đẹp ở bất cứ đâu.

**Tu là biết làm những điều lành mạnh và loại bỏ những điều xấu ác có hại cho người.

**Tu là không phê phán người, mà là phê phán mình.

**Tu là biết rằng dòm ngó lỗi người chỉ nuôi dưỡng lòng ngã mạn và tật xấu dơ bẩn nơi ta mà thôi.

**Tu là biết rằng phàm phu khó chìu; không nói cũng chê; nói ít cũng chê; mà nói nhiều cũng chê.

**Tu là không chạy theo những thú vui của phàm phu.

**Tu là biết rằng có lỗi mà biết để sửa, để tránh tái phạm; ấy là nhổ được gốc rễ của tội lỗi.

**Tu là chẳng bao giờ nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời thêu dệt; hoặc giận dữ hay tà kiến.

**Tu là thường biết rằng trên đời nầy không ai dối gạt ta; mà chỉ có chính mắt, tai, mũi, lưỡi của ta dối gạt ta thôi.

**Tu là biết rằng những lỗi lầm tệ hại của mình có thể tránh được pháp luật và người khác, chứ không tránh được chính mình.

**Tu là luôn biết rằng một niệm khởi sân, tức thì muôn ngàn cửa chướng sẽ mở ra.

**Tu là luôn biết cố công thiền định để cột kềm cái ý mã tâm viên của ta lại.

**Tu là luôn biết rằng ngã mạn, ỷ lại, gian tham, tội lỗi, thù hiềm. ganh tị chỉ là những cửa đưa ta vào địa ngục mà thôi.

**Tu là biết xem người như xem mộc; đừng vì một chỗ nứt nhỏ mà bỏ cả cây; đừng vì một việc xấu của người mà bỏ người.

**Tu là luôn biết rằng hễ ghét người thì tâm ta hư, mà thương người thì tâm ta tốt.

**Tu là biết rằng càng mưu sâu kế độc thì càng nhiều tai họa rình chờ.

**Tu mà chưa có đủ đức để độ người thì nên xa lánh những kẻ đàng điếm, hút xách, cờ bạc, gian ác, bất hiếu, phản phúc và bội tín; họ dữ dằn còn hơn loài rắn độc.

**Tu là biết mình đang học theo Phật, một đấng Giác Ngộ hoàn toàn.

**Người tu luôn biết nguyên nhân của cái khổ là tham ái để trì chí đi theo con đường của Đức Thế Tôn là chấm dứt tham ái mà thoát khổ.

**Người tu không chỉ sùng bái Phật mà còn phải thực hành rốt ráo lời dạy của Phật.

**Người tu lúc nào cũng phải lấy giáo pháp làm thầy như lời Đức Từ Phụ đã dạy.

**Người tu lúc nào cũng thỉnh Phật trụ thế.

**Người tu lúc nào cũng mang trong người đầy đủ Tam Qui Ngũ Giới.

**Người tu lạy Phật chứ không lạy tượng. Nếu lòng ta thành, ta có thể lạy Phật mà không cần tượng.

**Người tu luôn nhớ rằng Tâm dẫn đầu, Tâm làm chủ, Tâm tạo tác tất cả. Tâm ô nhiễm là khổ; Tâm thanh tịnh là Niết Bàn.

**Người tu luôn biết rằng không ai lăng mạ và đánh đập mình cả; chỉ có sự lăng mạ và đánh đập. Nó đến rồi đi như những nợ nần phải trả.

**Người tu luôn biết rằng chúng ta như những ngọn nến cháy dở; không nhứt thiết phải hết nến mới tắt; mà ngọn gió nhỏ cũng có thể làm tắt nến. Biết như vậy để thu xếp thời giờ mà tu.

**Người chân tu luôn luôn thành thật khắc kỷ.

**Người tu luôn biết rằng cứ tiếp tục phạm lỗi để tiếp tục ăn năn là tự làm chết mòn mình. Cứ than buồn và thất vọng mãi là tự đang đọa mình vào cảnh khổ.

**Tụng kinh nhiều mà buông lung không hành trì thì chẳng khác chi người chăn bò cho người; chỉ ngày ngày đếm bò chứ chả bao giờ làm chủ bò.

**Ít tụng kinh mà sống với Phật pháp thì vẫn hưởng phần lợi lạc của giải thoát.

**Người tu luôn nhớ rằng sống mà buông lung thì không khác gì thây ma biết đi.

**Người tu không tẫm vào mình một thứ dầu thơm nào, ngoại trừ hương thơm đức hạnh.

**Người tu luôn nhớ rằng nói điều lành mà làm ác thì ví bằng chẳng nói.

**Như tu mưu sanh không làm hại đến người như ong đi hút mật mà chẳng làm tổn hại đến hoa.

**Người tu giữa chốn phồn hoa đô hội mà tâm chẳng buông lung, luôn an trú trong chánh trí như hoa sen vượt lên từ trong bùn nhơ mà thanh khiết ngạt ngào.

**Người tu luôn biết rằng chính ta còn không có thiệt huống hồ chi tiền tài và danh vọng.

**Người tu luôn nhớ rằng ác nghiệp mãi đeo đuổi ta như lủa ngún giữa tro than.

**Người tu luôn được người lành kính yêu, nhưng luôn bị kẻ dữ ghét bỏ vì người tu luôn khuyên người làm thiện, những điều mà kẻ dữ không muốn.

**Người tu sẽ không vị tình những ai làm điều sai quấy.

**Người tu không mong cầu thành công bằng những phương tiện bất chánh.

**Người tu không chỉ đến chùa lạy Phật, mà là đến chùa để học cho bằng được con đường giải thoát của Phật.

**Người tu luôn biết rằng ta vẫn còn là phàm phu và ta đang sửa đổi những xấu xa thành hay tốt.

**Người tu không cầu được ai cho phước hoặc bình an, mà cầu tự mình tiến tu.

**Người tu luôn biết rằng tin nhơn quả là chánh tín và tin mọi sự vật được tạo bởi nhơn duyên là chuyện khoa học.

**Người tu luôn thấy rằng mê tín là lòng tin mù quáng không thấy lẽ thật. Mê tín sẽ đưa ta đến chỗ hễ cầu mà toại nguyện thì tin; mà cầu không toại nguyện thì bỏ đạo.

**Tu là biết rằng công danh phú quí là tuồng ảo ảnh; còn tiền bạc càng thu nhiều thì càng khổ nhiều.

**Tu là không buồn ai; không ghét ai; không trọng ai, không khinh ai; mà cũng không thương ai.

**Tu là biết rằng Phật hay ma đều do ta mà ra cả.

**Tu là biết gốc của cái khổ là tham ái và si mê.

**Người tu luôn biết rằng nghèo vật chất không bằng nghèo đức hạnh.

**Người tu không bao giờ xao lãng giới, định, huệ; mà chỉ xao lãng tham, sân, si.

**Người tu lúc nào cũng kiên nhẫn, ôn hòa. Lúc nào cũng thương mến người và vật.

**Người tu thì lúc giàu, lúc nghèo, lúc sang, lúc hèn, lúc ốm, lúc mạnh, lúc trẻ, lúc già cũng thế, trước sau không dời đổi.

**Người tu luôn biết rằng lợi tha và lợi dụng là hai nghĩa hoàn toàn khác nhau.

**Người tu thường nhớ câu không vay, không trả.

**Người tu là biết phải thương muôn loài chứ không để chúng sanh nào phải hy sinh cho ngon miệng ta.

**Người tu luôn hiểu rõ là lúc nào tâm ta cũng tạo cảnh chứ không để cảnh tạo tâm.

**Người tu bố thí phải do tâm đại bi và lòng đại nguyện. Dám hy sinh tánh mạng và tài sản mà bố thí; lúc nào cũng cho; chỗ nào cũng cho. Ấy là sự bố thí của kẻ giác ngộ.

**Người tu luôn biết rằng mắt tai mũi luõi là những mối lái đưa giặc vào đoạt của châu báu nhà mình.

**Người tu luôn nhớ rằng cái tâm nó lanh lẹ, khó mà nắm bắt và điều phục nó lắm.

**Người tu nên nhớ rằng trong bất cứ cuộc cải vã nào, cả hai đều thua.

**Người tu luôn nhớ rằng ngu si tham đắm sắc dục cũng giống như dòi bọ nằm trong đống phẩn, cứ tưởng phẩn ngon.

**Người tu luôn nhớ rằng đời người như ánh điện chớp, nhưng Đức Thế Tôn đã nhờ cái ánh điện chớp ấy mà đắc quả Như Lai; thì ta cũng quyết đi vào cõi tịnh tịch bằng ánh điện chớp như Ngài. Biết đâu ta đã tu được hai a tăng kỳ kiếp chín chín chín rồi; bây giờ chỉ cần một ánh điện chớp nữa là xong ngay.

**Người tu luôn nhớ rằng bất cứ người nào mà ta gặp cũng đều có cái gì đó hơn ta. Biết như vậy ta sẽ luôn học hỏi được thêm.

**Người tu nên luôn nhớ rằng người sống nhiều là người không để thời gian luống qua vô ích chứ không phải là người nhiều tuổi.

**Người tu phải luôn nhớ rằng địa vị cao nhiều người ganh; quyền thế lớn nhiều người ghét; chí hướng to lắm kẻ thù; lợi lộc nhiều lắm kẻ oán.

**Người tu quyết không bao giờ mắc phải những chứng bệnh khinh lờn, tự mãn và thụ hưởng. **Người tu luôn nhớ sanh, già, bịnh, chết là khổ; ái biệt ly là khổ; oán tắng hội là khổ; sân là khổ; si là khổ...Nghĩa là cái gì của phàm phu là khổ. Chỉ có cõi tịnh tịch giải thoát mới là niềm an vui vĩnh hằng.

**Người tu lúc nào cũng nên nhớ rằng mình đang tập xa bỏ dục lạc, ái dục, những điều đáng mừng, những điều không đáng mừng, chấp trước, thù hận, hung hăn, và bất cứ một vọng niệm nào khởi lên.

**Người tu muốn dứt sạch hết khổ não thì nên có thái độ thành khẩn và hành vi đoan chánh.

**Người chưa tu nuốt bồ hòn rồi mới biết đắng; người tu rồi thì biết bồ hòn đắng mà không nuốt.

**Người tu là người luôn chế phục được mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

**Người tu luôn biết rằng những tham, sân, si, ngã mạn, cống cao... là những thứ làm khẳm thuyền ta. Hãy tát chúng ra cho thuyền nhẹ mà lướt nhanh đến bến bờ giải thoát.
Về Đầu Trang Go down
https://hoahaotanchau.forumvi.com
 
NHỮNG LỜI HAY TRONG LẼ ĐẠO
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
ƯỚC MONG THẾ GIỚI LÂN HÒA HẢO,NHÀ PHẬT CON TIÊN HÉ MIỆNG CƯỜI :: PHẬT NGÔN-
Chuyển đến