ƯỚC MONG THẾ GIỚI LÂN HÒA HẢO,NHÀ PHẬT CON TIÊN HÉ MIỆNG CƯỜI
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

ƯỚC MONG THẾ GIỚI LÂN HÒA HẢO,NHÀ PHẬT CON TIÊN HÉ MIỆNG CƯỜI


 
Trang ChínhPortalGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Top posters
Admin (4647)
Thấy tướng lành chẳng nói  Vote_lcapThấy tướng lành chẳng nói  I_voting_barThấy tướng lành chẳng nói  Vote_rcap 
Latest topics
» TÂM XÃ LÀ GÌ?
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Apr 02, 2024 2:48 am

» 8 CON ĐƯỜNG CAO QUÝ ĐƯA TA ĐẾN GIÁC NGỘ GIẢI THOÁT
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Apr 02, 2024 2:48 am

» TÂM CHAY LÀ GÌ?
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Apr 02, 2024 2:45 am

» GIẢI NGHĨA:VỀ CAO TẦNG CỔ TỔ 9 ĐỜI
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Apr 02, 2024 2:44 am

» GIẢI NGHĨA :BÀI NGUYỆN HƯƠNG TRƯỚC CỬU HUYỀN THẤT TỔ
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Apr 02, 2024 2:43 am

» Phải Thiệt Ăn Chay, Không Ăn Ngũ Vị Tân, Tụng Kinh Là Gì.. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh,95 Tuổi
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 4:00 am

» Hòa Thượng Thích Trí Tịnh kể chuyện bị quỷ vương tuyên chiến
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:56 am

» Lễ Khánh Tuế Hòa Thượng Thích Trí Tịnh - 95 Tuổi
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:54 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2010 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:53 am

» KHAI THỊ CHÚC TẾT 2010 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:52 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2012 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:51 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2013 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:50 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2008 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:50 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2011 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:49 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 1993 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:48 am

» KHAI THỊ KHÁNH TUẾ 2009 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:45 am

» VẤN ĐÁP PHẬT PHÁP 1994 | HT THÍCH TRÍ TỊNH
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:44 am

» PHÁP MÔN NIỆM PHẬT- HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:44 am

» HƯƠNG QUÊ CỰC LẠC Trọn bộ | Hoà Thượng Thích Thiền Tâm
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:39 am

» Tịnh Độ Quyết Nghi (Trọn bộ) - HT Thích Thiền Tâm
Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeby Admin Tue Oct 11, 2022 3:38 am


 

 Thấy tướng lành chẳng nói

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin

Admin


Nam Libra Rooster
Tổng số bài gửi : 4647
Points : 12281
Reputation : 0
Birthday : 19/10/1981
Join date : 23/08/2009
Age : 42
Đến từ : TÂN CHÂU
Job/hobbies : KỸ SƯ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Thấy tướng lành chẳng nói  Empty
Bài gửiTiêu đề: Thấy tướng lành chẳng nói    Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeTue Jun 07, 2011 3:07 am

Ðại sư Huệ Viễn đời Tấn là Sơ Tổ của Liên Tông, họ Giả, người xứ Nhạn Môn. Ngài tinh thông cả Nho lẫn Lão. Năm 21 tuổi, nghe pháp sư Ðạo An giảng kinh Bát Nhã, hốt nhiên đại ngộ, than rằng:
- Nho, Ðạo cửu lưu đều chỉ là bã hèm.
Liền xuất gia, thề hoằng dương Phật giáo. Ngài Ðạo An khen ngợi:
- Khiến cho đạo pháp được lưu hành ở Trung Nguyên phải nhờ vào ông Viễn!
Sau ngài trụ tại chùa Ðông Lâm trên Lô Sơn, thống lãnh đại chúng hành đạo, đào ao trồng sen. Trên mặt nước thả hoa sen mười hai cánh xoay chuyển theo sóng nước nhằm phân định thời khắc ngày đêm để biết thời hạn tu hành.
Ngài cùng với các ông Lưu Di Dân v.v… hơn một trăm hai mươi ba người cả Tăng lẫn tục sáng lập Liên Xã, sáu thời niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Ngài ở trong núi suốt ba mươi năm chẳng hề đặt chân vào cõi trần; chuyên chí Tịnh Ðộ, lắng lòng hệ niệm, thấy thánh tượng cả ba lần, nhưng vẫn giấu kín không nói.
Một đêm, lúc ngài vừa xuất định, bỗng thấy A Di Ðà Phật thân đầy chật cả hư không, Quán Âm, Thế Chí đứng hầu hai bên. Lại thấy nước chảy, quang minh chia làm mười bốn nhánh cùng chảy lên, rót xuống, diễn thuyết diệu pháp.
Phật dạy:
- Do bổn nguyện lực nên ta đến an ủi ông. Sau bảy ngày nữa ông sẽ sanh về cõi ta!
Những vị trong Liên Xá đã vãng sanh trước như các ông Lưu Di Dân, Phật Ðà Da Xá v.v… đều hầu bên Phật. Sư bảo:
- Lúc ta mới ở đây, ba lần thấy thánh tượng; nay lại được thấy, ắt sẽ sanh về Tịnh Ðộ.
Ðến thời hạn, ngài liền đoan tọa nhập tịch, thọ tám mươi ba tuổi.
(theo Ðông Lâm Truyện)
Nhận định:
Nếu như thấy tướng hảo liền muốn nói cho mọi người biết ắt sẽ bị ma gây lầm lạc khiến nguyện hạnh thối thất. Xin hãy bắt chước ngài: ba lần thấy nhưng không nói, chỉ đến lúc lâm chung mới cho biết mà thôi!
Thiên chúng đến đón chẳng đi
* Ðại sư Tăng Tạng đời Ðường, người xứ Tây Hà. Tuổi nhỏ xuất gia, nép mình thờ người, hết thảy cung kính, chẳng từ lao khổ. Thấy tăng y của người khác liền giặt giũ giùm, rồi lại vá chằm. Ngày nắng gắt, sư cởi áo ngồi trong đám cỏ để thí máu thịt cho các loài muỗi, ve.
Hằng ngày, ngài niệm Phật hiệu chẳng cần ghi số, chỉ nhớ rõ trong tâm, chưa hề thiếu sót. Ðến khi báo tận, thấy chư thiên theo thứ tự đến đón, ngài đều chẳng theo. Ngài chợt bảo mọi người:
- Vừa về Tịnh Ðộ, thấy các thượng thiện nhân rải hoa trên không.
Rồi chắp tay niệm Phật mà hóa.
(theo Cao Tăng Truyện, tập 3)
* Ðại sư Thiện Ngang đời Ðường, người Ngụy Quận. Chí kết Tây Phương, nguyện sanh An Dưỡng. Sau ngài ngụ tại chùa Báo Ứng, biết đã đến lúc bèn bảo trước những người hữu duyên: đầu tháng Tám sẽ chia tay. Ðến kỳ, ngài lên tòa cao, lư tỏa mùi hương lạ, dẫn tứ chúng thọ Bồ Tát giới, dạy dỗ những điều thiết yếu. Chợt thấy thiên chúng rộn ràng, đàn sáo véo von. Ngài bảo đại chúng:
- Trời Ðâu Suất Ðà đến đón ta; nhưng Thiên đạo chính là căn bản sanh tử, chẳng phải chỗ ta ước mong. Lòng thường mong sanh về Tịnh Ðộ, nguyện này chẳng được thỏa hay sao?
Nhạc trời bỗng bặt tiếng. Từ trời Tây, hương, hoa, âm nhạc vùn vụt kéo đến, xoay quanh trên đỉnh đầu, toàn thể mọi người đều thấy. Sư bảo:
- Nay tướng lành Tây Phương đến đón. Ta đi đây.
Nói xong liền tịch, thọ sáu mươi chín tuổi.
(theo Cao Tăng Truyện, tập hai)
Nhận định:
Lúc lâm chung, tứ đại chia lìa là lúc nào vậy? Chư Thiên lần lượt đến đón là cảnh nào đây? Nếu chẳng phải là bậc tín nguyện kiên cố thì ngay trong lúc đó, đối trước cảnh ấy làm sao cưỡng làm chủ tể nổi? Ðây đúng thật là gương sáng thiên cổ cho những kẻ tu Tịnh nghiệp vậy. Nếu không, một phen sanh lên trời sẽ lại đọa trong luân hồi. Xin đừng lầm tin ngoại đạo cầu sanh Thiên Quốc.
Niệm Phật chẳng ngơi
Ðại sư Thiện Ðạo đời Ðường là Tổ thứ hai của Liên Tông. Nhân thấy đạo tràng Tịnh Ðộ Cửu Phẩm của thiền sư Ðạo Xước, ngài liền vui mừng bảo:
- Ðây chính là phương cách trọng yếu để thành Phật. Tu các hạnh khác ngoắt ngoéo khó thành; chỉ có pháp môn này là chóng thoát sanh tử.
Từ đó, ngài tinh tấn, siêng năng lễ niệm. Ít lâu sau, đến kinh sư, ngài khích lệ tứ chúng. Mỗi lần nhập thất, thường quỳ thẳng niệm Phật, nếu chưa kiệt sức thì chẳng nghỉ. Dù cho lúc trời lạnh đến mức đóng băng, ngài vẫn [niệm Phật đến khi] toát mồ hôi [mới thôi] để bày tỏ lòng chí thành.
Thường khi ngài niệm Phật một tiếng, có một ánh quang minh từ trong miệng tỏa ra. Từ mười câu cho đến ngàn câu cũng đều như vậy, ai nấy đều thấy. Ngoài việc niệm Phật, sư liền diễn nói pháp môn Tịnh Ðộ, không hở lúc nào chẳng làm việc lợi sanh.
Hơn ba mươi năm, ngài chưa từng ngủ nghỉ, ngoại trừ lúc tắm gội, ngài chưa hề cởi y; hộ trì giới phẩm chẳng phạm mảy may. Tuyệt ý lợi danh, không hề cười đùa. Mỗi lần đi đâu, ngài thường đi một mình, không cho ai đi cùng, sợ phải bàn chuyện đời trở ngại việc tu đạo nghiệp. Ba y, bình bát, ngài đích thân cầm giữ, giặt rửa lấy. Thức ngon dành cho đại chúng, thức thô dở ngài dành cho mình; các thứ sữa, lạc, đề hồ đều chẳng nếm đến.
Tất cả những thứ được cúng thí ngài đều dành để chép kinh Di Ðà được hơn mười vạn quyển, vẽ hơn ba trăm bức Tây Phương Thánh Cảnh, sửa chùa, dựng tháp, thắp đèn nối sáng suốt năm chẳng ngớt. Cả tăng lẫn tục được ngài giáo hóa có người tụng kinh Di Ðà từ mười vạn đến năm mươi vạn biến; nhật khóa niệm danh hiệu Phật từ một vạn đến mười vạn. Trong số ấy, những người đắc tam muội, vãng sanh Tịnh Ðộ chẳng thể ghi chép nổi.
Ngài đột nhiên bảo mọi người:
- Thân này đáng chán, ta sẽ về Tây!
Liền trèo lên cây liễu trước chùa, hướng về Tây, cầu:
- Nguyện Phật tiếp dẫn con, Bồ Tát giúp con khiến con chẳng mất chánh niệm, được sanh An Dưỡng!
Ðứng ngay ngắn mà tịch.
(theo Phật Tổ Thống Ký)
Nhận định:
Ðại Sư là hóa thân của Phật A Di Ðà, chỉ bày khuôn phép niệm Phật rộng độ chúng sanh. Xin hãy bắt chước ngài, tuyệt ý danh lợi, niệm Phật chẳng ngơi.
Thề lấy đài vàng
Ðại sư Hoài Ngọc đời Ðường họ Cao, người xứ Ðan Khâu. Chấp trì giới luật, ngày ăn một bữa. Tụng kinh Di Ðà ba mươi vạn biến, nhật khóa niệm Phật năm mươi vạn câu, thường hành sám hối. Chợt thấy thánh chúng Tây Phương đầy chật hư không, một vị cầm đài bạc đến đón. Sư bảo:
- Tôi một đời niệm Phật, thề đạt được đài vàng, sao lại chẳng được vậy?
Thánh chúng liền biến mất. Ngài lại càng thêm tinh tấn, đến hai mươi mốt ngày sau, người bưng đài lại đến bảo:
- Vì sư tinh tấn nhọc nhằn nên được thăng lên Thượng Phẩm. Hãy nên ngồi xếp bằng chờ Phật đến đón.
Ba ngày sau, ánh sáng lạ tràn ngập cả thất. Sư bảo:
- Nếu ngửi thấy mùi hương lạ thì báo mạng của ta sẽ tận.
Ngài viết kệ:
Một đời khổ hạnh siêu mười kiếp
Mãi lìa Sa Bà về Tịnh Ðộ.
Ngay lập tức, mùi hương ngập thất, thánh chúng đông nghịt. Phật và hai vị Bồ Tát cùng ngự đài vàng đến đón. Ngài mỉm cười mà tịch.
(theo Cao Tăng truyện, quyển 3)
Nhận định:
Theo Quán kinh, chỉ bậc Thượng Phẩm Thượng Sanh mới ngự đài kim cang. Nếu chẳng bội phần tinh tấn, siêng khó, đốn siêu mười kiếp, làm sao đạt được như vậy? Ðủ chứng minh có chí ắt thành công, có nguyện ắt được thỏa. Xin hãy cùng bắt chước ngài tinh tấn, thề đạt được đài vàng.
Lấy việc lợi lạc chúng sanh làm đầu
Ðại sư Tự Giác đời Ðường, người xứ Bác Lăng. Xuất gia từ nhỏ, học Kinh, Luật, Luận siêng năng suốt cả chín năm, kinh luận nào cũng đều hiểu sâu sắc. Sau ngài trụ tại Trùng Lâm Sơn Viện trong núi Bình, nhặt quả, hái rau, ngày chỉ ăn một bữa, phát tâm đúc tượng đức Ðại Bi Quán Âm và dựng chùa Phật.
Gặp lúc đại hạn, tiết độ sứ xứ Hằng Dương là ông Trương thỉnh ngài cầu mưa. Ngài kiền thành khẩn cáo long thần, mưa to liền đổ xuống. Do đó, thí chủ chen nhau tụ về, đúc được tượng cao bốn mươi sáu thước, chùa cũng dựng xong.
Ngài liền đối trước đàn, thệ nguyện nương nhờ Thánh lực sớm sanh Tịnh Ðộ. Chợt thấy hai đạo kim quang: A Di Ðà Phật và hai vị Ðại Sĩ từ trong quang minh giáng xuống, xòe tay sắc vàng xoa đầu sư, bảo:
- Giữ nguyện chẳng đổi, lấy việc lợi sanh làm đầu. Sanh chốn ao báu mặc tình thỏa nguyện.
Về sau, chợt thấy thần nhân đứng trong mây hiện nửa thân, bảo:
- Thời kỳ sư quy Tây đã đến rồi!
Ngài liền ngồi xếp bằng trước tượng Quán Âm mà hóa.
(theo Cao Tăng Truyện, quyển 3)
Nhận định:
Phàm những việc như: tạo tượng, lập chùa, cầu mưa lợi người v.v… đều là những trợ duyên cho Tịnh nghiệp. Ðem những việc ấy hồi hướng Tây Phương. Do làm được như vậy nên Phật dạy: “Giữ nguyện chẳng đổi, lấy việc lợi sanh làm đầu”. Nếu như ngài chẳng có mật hạnh niệm Phật, làm sao cảm được đức Phật đến xoa đầu?
Khổ hạnh chuyên niệm
Ðại sư Thừa Viễn đời Ðường là Tổ thứ ba của Liên Tông. Sư theo học ngài Ngọc Tuyền Chơn Công, được sai về ngụ tại Hành Sơn để giáo hóa.
Ngài sống dưới gộp đá ở phía Tây Nam núi, ai cho ăn thì ăn, chẳng ai cho thì ăn bùn đất. Thân gầy mặt sạm, còm cõi như que củi. Phàm giáo hóa người, ngài mong cho họ mau được chứng nên thường dạy họ chuyên niệm. Ngài viết [lời khuyên chuyên niệm] trên các đường, hẻm, khắc lên hang hốc, tận lực khuyên dạy, số người được ngài hóa độ tính ra đến cả vạn. Ai nấy đều mang đến vải vóc, chặt cây, san đá, xếp thành phòng đá. Chẳng hoạch định, chẳng tính toán mà chùa điện đều có đủ, đặt tên là chùa Di Ðà. Số tiền xây cất còn dư đem thí cho những người đói nghèo, bịnh tật. Khi ấy, đại sư Pháp Chiếu ở Lô Sơn, nhập định đến được cõi An Lạc, thấy có vị mặc áo rách đứng hầu Phật. Phật bảo: “Ðây là ông Thừa Viễn ở Hành Sơn”. Xuất định, sư liền đi tìm, xin theo học, truyền giáo khắp nơi. Sau tổ Thừa Viễn tịch ở chùa, thọ chín mươi mốt tuổi.
(theo Liễu Hà Ðông Văn Tập)
Nhận định:
Ăn đất, mặc áo rách: dùng khổ hạnh để tiêu nghiệp. Của dư đem bố thí: chẳng tích chứa để lụy tâm. Dạy người chuyên niệm, tuy còn sống đã hầu Phật, hạnh của ngài chuyên tinh, vãng sanh Thượng Phẩm không còn ngờ gì nữa!
Phước huệ song tu
Ðại sư Ngũ Hội Pháp Chiếu đời Ðường, là Tổ thứ tư của Liên Tông; trụ tại chùa Vân Phong ở Hành Châu. Siêng tu chẳng lười, được Văn Thù Bồ Tát dùng sức oai thần đưa vào thánh cảnh Ngũ Ðài. Ngài làm lễ, thưa:
- Phật pháp mênh mông, tu pháp môn nào là thiết yếu nhất?
Ngài Văn Thù dạy:
- Nay ông niệm Phật thì chính là đúng thời. Trong các hạnh môn để tu, không có môn nào hơn được Niệm Phật. Cúng dường Tam Bảo, phước huệ song tu. Hai môn ấy là đường tắt trọng yếu nhất. Trong kiếp quá khứ, ta do niệm Phật và cúng dường nên đắc Nhất Thiết Chủng Trí.
Vì vậy, trong hết thảy các pháp Bát Nhã Ba La Mật, Thiền Ðịnh rất sâu, thậm chí chư Phật đều là từ niệm Phật mà thành. Thế nên biết rằng: Niệm Phật là vua của các pháp. Ông nên thường niệm chẳng để gián đoạn.
Sư hỏi:
- Niệm như thế nào?
Ðức Văn Thù dạy:
- Phía Tây thế giới này có đức A Di Ðà Phật. Ðức Phật ấy nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn. Ông nên niệm liên tiếp chẳng để gián đoạn thì khi mạng chung quyết định vãng sanh, vĩnh viễn chẳng thối chuyển.
Bồ Tát lại duỗi cánh tay sắc vàng xoa đảnh, thọ ký:
- Do ông niệm Phật nên chẳng bao lâu sẽ chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ Ðề. Nếu những kẻ thiện nam, thiện nữ mong chóng được thành Phật thì không chi hơn được pháp Niệm Phật, sẽ chóng chứng Bồ Ðề.
Sư hoan hỷ làm lễ, lui ra. Từ đấy, dốc chí niệm Phật, ngày đêm chẳng bỏ luống, thề sanh Tịnh Ðộ. Chợt thấy Phạm tăng Phật Ðà Ba Lợi bảo:
- Hoa sen của ông đã viên mãn. Ba năm nữa, hoa sẽ nở.
Ðến kỳ, ngài bảo đại chúng:
- Ta đi đây!
Ðoan tọa mà tịch.
(theo Cao Tăng Truyện tập ba và Lạc BangVăn Loại)
Nhận định:
Ðại Sư được đức Văn Thù khai thị: “Niệm Phật cúng dường, phước huệ song tu là khẩn yếu nhanh chóng nhất”. Xin hãy tin nhận vâng làm, ngày đêm chẳng để uổng, thề sanh Tịnh Ðộ, mau chứng Bồ Ðề.
Dụ trẻ nhỏ niệm Phật
Ðại sư Ðài Nham Thiếu Khang đời Ðường là Tổ thứ năm của Liên Tông. Ngài họ Châu, người xứ Tấn Vân, xuất gia từ nhỏ, thông kinh luận, giỏi Luật tạng.
Sau ngài đến chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, do thấy bài Tây Phương Hóa Ðạo Văn của đại sư Thiện Ðạo phóng quang nên đến chùa Quang Minh ở Trường An chiêm lễ nơi đài hiện bóng của đại sư Thiện Ðạo; cảm được Ðại Sư hiện thân trên không dạy:
- Ông tuân lời ta dạy, rộng hóa độ hữu tình. Ngày sau công thành, ắt sanh An Dưỡng.
Ngài liền qua Tân Ðịnh, không ai biết đến ngài. Ngài bèn xin tiền để dụ trẻ nhỏ niệm Phật: cứ niệm được một tiếng cho một đồng. Lâu sau, trẻ niệm Phật để được tiền đã đông. Sư bảo:
- Niệm Phật mười tiếng ta mới cho tiền.
Nhiều năm như thế, hễ trai, gái, trẻ, già thấy Sư đều thưa A Di Ðà Phật. Tiếng niệm Phật vang khắp mọi nẻo đường.
Sau ngài đến núi Ô Long, kiến lập Tịnh Ðộ đạo tràng, xây đàn ba bậc. Vào mỗi ngày trai, thiện tín tụ lại xong; ngài liền lên tòa cao, lớn tiếng niệm Phật, đại chúng hòa giọng theo. Thấy Sư niệm Phật một tiếng, một vị Phật từ trong miệng bay ra. Mười tiếng là mười vị Phật như xâu chuỗi.
Sư nói:
- Các vị thấy Phật ắt được vãng sanh.
Chúng đều vui mừng. Người lễ Phật đông đến mấy ngàn, cũng có người chẳng được thấy. Sư chợt dặn dò kẻ Tăng, người tục:
- Nên khởi tâm tăng tấn đối với Tịnh Ðộ, sanh tâm chán lìa Diêm Phù Ðề. Hiện thời các ông thấy quang minh của ta thì đúng là đệ tử của ta.
Nói xong liền phóng ra mấy đạo quang minh lạ thường rồi tịch.
(theo Cao Tăng Truyện, tập 3)
Nhận định:
Xin tiền dụ trẻ niệm Phật là tài thí và pháp thí để rộng hóa độ hữu tình. Phật từ miệng bay ra, phóng quang mà tịch chính là niệm Phật thành công, ắt sanh An Dưỡng vậy!
Vạn hạnh trang nghiêm
Ðại sư Vĩnh Minh Trí Giác Xung Huyền Diên Thọ đời Tống là Tổ thứ sáu của Liên Tông. Ngài là con nhà họ Vương ở Tiền Ðường, trông nom việc thuế. Ngài thường dùng tiền công quỹ để mua loài vật phóng sanh nên mắc tội chết.
Lúc sắp gia hình, Tiền Văn Mục Vương sai người rình xem thấy ngài chẳng đổi sắc, vương ra lệnh tha. Ngài liền xuất gia, tham học với ngài Chiếu Quốc Sư thuộc tông Thiên Thai, phát minh tâm yếu.
Do nguyện xưa chưa quyết, ngài lên Trí Giả Nham, làm hai cái thăm “nhất tâm thiền định” và “vạn hạnh trang nghiêm Tịnh Ðộ”, dốc lòng tinh thành cầu đảo, bảy lần rút đều trúng cái thăm Tịnh Ðộ. Do vậy, ngài một dạ tu Tịnh nghiệp, được đức Quán Âm dùng cam lộ rưới vào miệng, đắc đại biện tài, soạn bộ Tông Kính Lục và Vạn Thiện Ðồng Quy Tập chỉ quy Tịnh Ðộ.
Sau ngài trụ ở chùa Vĩnh Minh, mỗi ngày làm một trăm lẻ tám Phật sự. Ðêm lên ngọn núi khác, đi kinh hành niệm Phật, người ta nghe tiếng nhạc trời rền vang không trung. Ngài tụng kinh Pháp Hoa được một vạn ba ngàn bộ; đệ tử một ngàn bảy trăm người. Sư thường truyền Bồ Tát giới cho đại chúng, thí thức ăn cho quỷ thần, bỏ tiền chuộc mạng cho sanh vật, [những việc ấy] đều hồi hướng về Tịnh Ðộ cả.
[Một hôm], ngài chợt thắp hương, gọi đại chúng rồi ngồi xếp bằng mà tịch, thọ bảy mươi hai tuổi. Về sau, có vị Tăng bị bịnh, thấy mình xuống âm phủ, thấy Diêm vương thờ một bức họa bên trái điện, siêng năng lễ bái. Hỏi ra mới biết sư đã vãng sanh Thượng Thượng Phẩm. Vua trọng đức của ngài nên lễ kính vậy.
(Theo Lạc Bang Văn Loại)
Nhận định:
Ðại Sư là hóa thân của Phật A Di Ðà, do bảy lần bói đều rút được cái thăm Tịnh Ðộ nên mới nhất ý niệm Phật, thượng phẩm thượng sanh. Vì chí tại Thiền Ðịnh nên về hạnh ngài phải xả Thiền tu Tịnh để làm gương vậy.
Kết xã khích lệ lẫn nhau
Ðại sư Tạo Vi Tỉnh Thường đời Tống là Tổ thứ bảy của Liên Tông. Ngài họ Nhan, người huyện Tiền Ðường. Bảy tuổi xuất gia, mười bảy tuổi thọ Cụ Túc Giới. Ngài lấy việc kiên trì giới luật, chuyên xưng danh hiệu, phát Bồ Ðề tâm, kết xã để khích lệ lẫn nhau làm chánh nhân Tịnh Ðộ.
Ngài trụ tại chùa Chiêu Khánh ở Hàng Châu, hâm mộ di phong Lô Sơn của Tổ Huệ Viễn nên thành lập Tịnh Hạnh Xã. Trong nhóm sĩ phu dự hội có quan Tướng Quốc Văn Chánh Vương Công Ðán v.v… một trăm hai mươi người đều xưng là Tịnh Hạnh Ðệ Tử, còn Tăng thì có đến một ngàn vị đồng tu Tịnh nghiệp.
Ngài cắt máu chép kinh phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm. Mỗi ngày chép một chữ, ba lạy, nhiễu ba vòng, ba lượt xưng danh hiệu Phật. Chép được ngàn quyển, thí cho ngàn người. Ngài dùng chiên đàn hương khắc tượng Phật Vô Lượng Thọ, quỳ trước tượng, phát nguyện:
- Con cùng đại chúng bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi phát Bồ Ðề tâm. Cho đến cùng tột đời vị lai, hành hạnh Bồ Tát. Nguyện hết một báo thân này sẽ sanh An Dưỡng.
Một hôm, trong lúc ngồi nghiêm trang niệm Phật, ngài chợt kêu to: “Phật đến rồi!”, tự nhiên hóa. Ðại chúng thấy đất đều có màu vàng ròng. Sư thọ sáu mươi hai tuổi.
(Theo Phật Tổ Thống Ký)
Nhận định:
Kết xã khích lệ lẫn nhau đúng là tự lợi, lợi tha. Nhưng để thực hành được điều này trong hiện tại, phải có bậc hữu đức thống suất đại chúng cộng tu, rất kỵ nam nữ hỗn tạp. Nếu không có được cơ duyên như vậy thì chẳng bằng đóng cửa tiềm tu, so ra còn dễ tinh tấn hơn!
Thề tu hành đến chết
Ðại sư Từ Vân Tri Bạch Tuân Thức đời Tống, người xứ Ninh Hải, họ Diệp. Lúc đầu học Luật, sau nghiên cứu giáo nghĩa tông Thiên Thai, luôn siêng khổ, tự khích lệ. Sau ngài qua chùa Bảo Vân tu pháp Ban Châu Tam Muội, nhọc nhằn đến nỗi thổ huyết, hai chân toạc cả da, thề tu hành đến chết.
Ngài mộng thấy đức Quán Âm chỉ vào miệng, khều ra mấy con trùng, dùng cam lộ rưới vào; tỉnh dậy, thân tâm thanh lương, các bệnh tật mất hết, trí huệ, biện tài vô ngại. Ngài viết bài ký thề sanh Tây Phương; rồi liền kết hội Tăng lẫn tục chuyên tu Tịnh nghiệp.
Ít lâu sau, ngài trở về Ðông Dịch, lập tinh xá, suất lãnh đại chúng chuyên tu Niệm Phật tam muội. Tuổi già, ngài trụ trì các chùa Chiêu Khánh, Linh Sơn v.v…. ở Hàng Châu, xin quan cai trị địa phương là Vương Hân Nhược phê chuẩn cho dùng Tây Hồ làm ao phóng sanh.
Ngài soạn các sám pháp viên dung Tam Quán, lấy Tịnh Ðộ làm chỗ quy thú. Ngài soạn sách Tịnh Ðộ Quyết Nghi Hạnh Nguyện Nhị Môn và đề ra pháp Thập Niệm vào lúc sáng sớm, soạn Vãng Sanh Lược Truyện v.v… lưu hành trong đời.
Ðột nhiên ngài làm thơ từ tạ thế gian và tỏ lời từ biệt đại chúng, cho biết ngài sắp quy tịch. Ngài liền thị hiện có chút bệnh, từ chối không dùng thuốc, lược nói pháp yếu cho đại chúng, thắp hương lễ Phật, thỉnh Phật chứng minh, vãng sanh An Dưỡng; lại còn bày tỏ chỗ mình muốn về là Tịch Quang Tịnh Ðộ. Ðến chiều, ngài tọa hóa, thọ sáu mươi chín tuổi.
(Theo Phật Tổ Thống Ký)
Nhận định:
Muốn cầu được phú quý trong đời hiện tại còn phải ra sức đến chết, huống hồ là muốn liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ư? Nếu chẳng lấy cái chết làm lời thề thì làm sao tọa hóa, vãng sanh cõi Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ cho được?
Thỉnh Tăng trợ niệm
Ðại sư Tư Chiếu đời Tống, họ Dương, người huyện Tiền Ðường. Thuở nhỏ theo học với ngài Thần Ngộ lãnh hội được yếu chỉ rất nhiều. Ngài cắt máu chép kinh Pháp Hoa đến mười bộ; cứ mỗi một chữ là một lạy.
Ngài tụng Quán kinh được 5 tạng, kinh Di Ðà mười tạng, kinh Pháp Hoa một ngàn bộ. Lễ các kinh Hoa Nghiêm, Phạm Võng, bảy kinh Tịnh Ðộ v.v… được hai trăm bảy mươi quyển. Ngài chuyên tu Niệm Phật tam muội, dựng một am nhỏ đặt tên là Ðức Vân, khắc tượng Tam Thánh. Mỗi đêm, vừa mới canh tư đã dậy niệm Phật. Tỳ kheo lười nhác nghe tiếng ngài niệm mà run rẩy. Mỗi tháng, vào ngày 23, Sư suất lãnh Tăng, tục hệ niệm Tam Thánh. Suốt cả ba mươi năm, đại chúng nhóm về thường đến cả ngàn người.
Ngài chợt bảo đồ chúng:
- Ta mộng thấy thân Phật vàng trượng sáu, đấy là điềm vãng sanh.
Liền yêu cầu bảy vị tăng trợ niệm. Ðến tối ngày thứ bảy, ngài chợt nhỏm dậy, chắp tay, lớn tiếng niệm Phật, ngồi xếp bằng, kết ấn mà hóa. Lúc trà tỳ, răng ngài rực sáng như ngọc.
(theo Phật Tổ Thống Ký)
Nhận định:
Ðại Sư chuyên tu Niệm Phật Tam Muội ba mươi năm, trước khi lâm chung mộng thấy Phật mà còn thỉnh Tăng trợ niệm. Bọn phàm phu chúng ta rất phải nên chú ý điểm này.
Ði kinh hành thành vết trũng
Ðại sư Nghĩa Tú đời Minh, người xứ Ôn Lý. Trụ tại am Tán Thán ở đất Bồ, nhật khóa niệm A Di Ðà Phật hơn mười vạn tiếng, sáng chiều không gián đoạn suốt hơn năm mươi năm. Chỗ ngài đi kinh hành gạch mòn thành vết trũng, hoặc thủng xuống tận đáy. Người khác thử sửa sang, ít lâu sau lại mòn như cũ.
Thoạt đầu có kẻ nghèo chẳng tự kiếm ăn nổi, đến sống nhờ [nhà chùa]; lâu ngày, gã làm điều bất thiện. Sư quở: “Ngươi đúng là giặc!” Hắn bèn ước hẹn đồng bọn, nhân đêm tối đến đánh sư. Ðánh lần thứ nhất, tiếng niệm Phật vẫn còn vang rền. Ðánh lần nữa, tiếng niệm Phật vẫn chẳng dứt. Ðến khi khí tuyệt, sư bèn tịch.
(Theo Tử Bách Lão Nhân Tập)
Nhận định:
Ðại sư Tử Bách ca ngợi: “Ðến lúc sắp chết, tiếng niệm Phật vẫn chẳng dứt. Ngay cả khi bắp đùi đã gãy, ngài vẫn còn có thể ngồi xếp bằng để qua đời. Nếu chẳng phải là suốt năm mươi năm chí khí kiên cường lẫm lẫm thì làm sao đạt nổi như thế?”
Ðây chỉ là nghiệp trái nhiều đời, nhân duyên hội ngộ nên trả nợ ngay trước khi vãng sanh. Chớ lầm là vì cả một đời niệm Phật nên mắc phải ác báo!
Rộng tu các điều thiện
Ðại sư Liên Trì Phật Huệ Châu Hoằng đời Minh là Tổ thứ tám của Liên Tông. Người xứ Nhân Hòa, họ Trầm. Năm mười bảy tuổi, được bổ làm thầy dạy các sinh đồ vì học vấn và đức hạnh đều xứng đáng.
Ngài nghe người hàng xóm trì danh hiệu Phật, không bịnh tật gì mà mất, biết niệm Phật có công đức chẳng thể nghĩ bàn, liền dốc lòng gửi nơi Tịnh Ðộ, viết câu “sanh tử là việc lớn” (sanh tử sự đại) treo ngay đầu án thư để tự răn nhắc mình. Năm ba mươi hai tuổi ngài xuất gia, tham yết các vị đại lão Biến Dung, Tiếu Nham… tham cứu câu “người niệm Phật là ai?” có phần lãnh hội.
Sau ngài trụ trong núi Vân Thê. Do trong núi có lắm hổ, ngài bèn vì mọi người tụng kinh thí thực, nạn hổ liền dứt. Năm đại hạn, dân cư xin ngài cầu mưa. Ngài đi quanh ruộng niệm Phật, theo bước chân ngài mưa liền trút xuống. Mọi người vui sướng bèn cùng nhau sắm sửa vật liệu dựng chùa. Tăng chúng ngày càng quy tụ về, liền trở thành chốn tùng lâm. Ngài bèn đề xướng Tịnh Ðộ, thống trách Cuồng Thiền, rộng tu các điều lành để làm tư lương Tịnh Ðộ.
Lúc bấy giờ, giới đàn bị cấm đoán đã lâu. Người cầu giới có đủ tam y đối trước Phật xin thọ giới, ngài chứng minh cho họ. Ngài san định khoa nghi trai đàn Thủy Lục và nghi thức Du Già Diệm Khẩu, lập ra ao phóng sanh, soạn bài Giới Sát Văn để cứu tế nỗi khổ trong cõi âm. Ngài viết tác phẩm A Di Ðà Kinh Sớ Sao và Vân Thê Pháp Vựng dung hội Lý và Sự, thống nhiếp ba căn. Kẻ được ngài hóa độ rất nhiều.
Ngài chợt giã biệt khắp đồ chúng cả tăng lẫn tục, bảo:
- Ta sắp qua chốn khác.
Ðến kỳ, ngài dạy các đệ tử già dặn, chắc thật niệm Phật, rồi hướng về Tây niệm Phật mà tịch, thọ tám mươi mốt tuổi.
(theo Vân Thê Pháp Vựng)
Nhận định:
Sanh tử việc lớn, vô thường mau chóng, một phen mất thân người, vạn kiếp khó có lại được. Thường nghĩ đến điều này thì tự nhiên sẽ niệm Phật chơn thành, thiết tha. Rộng tu các điều lành, già dặn, chắc thật niệm Phật. Pháp yếu Tịnh Ðộ đã được gói trọn trong hai lời này.
Chuyên tâm niệm Phật
Ðại sư Hám Sơn Trừng Ấn Ðức Thanh đời Minh, là con nhà họ Thái ở Kim Lăng. Năm mười chín tuổi xuất gia, chuyên tâm niệm Phật, mộng thấy Phật A Di Ðà hiện thân trên không, quang tướng phân minh.
Từ đấy, thánh tượng sáng rực rỡ luôn hiện diện trước mắt ngài. Sau ngài đến Ngũ Ðài tu Ðịnh, phát minh được bổn tâm sẵn có. Ngài cắt máu chép kinh Hoa Nghiêm, mỗi một nét bút hạ xuống là một câu niệm Phật. Lâu dần, động tịnh hệt như nhau.
Sau ngài ẩn cư trong Lao Sơn là chỗ bọn ngoại đạo sanh sống. Thoạt đầu, chẳng có ai nghe đến danh hiệu Tam Bảo, nhưng lâu sau, ai nấy đều biết niệm Phật. Lý Thái Hậu hạ lệnh chở vàng đến dựng chùa, ban tấm biển đề tên chùa là Hải Ấn. Vua giận dữ, sai đầy ngài đi Lôi Châu. Nhân đấy, ngài trùng hưng tổ đình Tào Khê.
Về sau, ngài được vua hạ chiếu tha cho về, bèn kết am trong Lô Sơn, tu Tịnh Nghiệp càng thêm chuyên gắng. Ngài đột ngột đi về Tào Khê, thị hiện bịnh nhẹ, tắm gội, thắp hương, bảo đồ chúng rằng:
- Hãy nghĩ tới việc lớn sanh tử, vô thường mau chóng.
Ðoan tọa mà tịch, có quang minh chiếu rực tận trời, thọ bảy mươi tám tuổi, nhục thân hiện vẫn còn.
(theo Mộng Du Tập)
Nhận định:
Thánh tượng thường hiện, động tịnh nhất như thì đúng là tu hành Tịnh Nghiệp thật tinh cần. Vì chẳng chứng đắc chút ít đã cho là đủ nên nhục thân của ngài tồn tại vĩnh viễn. Xét ra, ắt ngài phải sanh trong Thượng Phẩm Thượng Sanh nơi Thật Báo Tịnh Ðộ hoặc Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ trong thế giới Cực Lạc.
Bỏ Thiền tu Tịnh
Ðại sư Ngẫu Ích Trí Húc đời Thanh là Tổ thứ chín của Liên Tông. Ngài họ Chung, người Ngô Huyện. Lúc tuổi trẻ, tự lấy việc học Nho làm trách nhiệm, viết sách bác Phật. Ðến khi ngài đọc được tác phẩm Trúc Song Tùy Bút của tổ Vân Thê bèn đốt những sách mình đã viết.
Năm hai mươi tuổi, nhân đọc kinh Ðịa Tạng bèn phát chí xuất thế, hằng ngày tụng danh hiệu Phật. Năm hai mươi bốn tuổi, nghe pháp sư Cổ Ðức giảng kinh, nghi tình chợt phát, dụng tâm tham cứu, chứng ngộ rỗng rang. Ngài liền bế quan ẩn tu ở Ngô Giang. Bị bịnh gần chết, ngài mới nhất ý cầu sanh Tịnh Ðộ.
Lúc bịnh giảm chút ít, ngài bèn kết đàn trì chú Vãng Sanh bảy ngày. Sau đấy, ngài ẩn tu tại Linh Phong, trước thuật những tác phẩm xiển dương Tịnh Ðộ được lưu truyền rộng rãi.
Ngài chợt thị hiện có bịnh, dặn dò sau khi trà tỳ hãy đem tro ngài hòa với bột đem thí cho các loài chim, cá để chúng được kết duyên Tây Phương. Sau đó, khi bịnh đã khỏi hẳn, ngài bèn ngồi xếp bằng, hướng về Tây, giơ tay lên mà tịch, thọ năm mươi bảy tuổi.
Ba năm sau, mở khám đựng nhục thân của ngài ra, tóc đã mọc dài phủ tai, vẻ mặt vẫn như lúc sống; môn nhân chẳng nỡ tuân theo di mạng nên lập tháp thờ ở Linh Phong.
(theo Linh Phong Tông Luận)
Nhận định:
Gặp lúc bịnh gần chết mới bỏ Thiền tu Tịnh. Sách Niệm Phật Trực Chỉ viết:
“Tinh tấn là chẳng vì chút bịnh duyên nhỏ hay lớn mà biếng nhác cái hạnh. Nếu như bị túc nghiệp sai sử thì nên tụng Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni. Trì một lần, diệt được tất cả các tội: ngũ nghịch, thập ác nơi thân. Trì được ba mươi vạn biến, quyết sẽ sanh về Tịnh Ðộ”.
Kinh Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Thần Chú có nói:
“Nếu tụng được chú này thì A Di Ðà Phật thường ngự trên đảnh người ấy, ngày đêm ủng hộ chẳng để cho oán gia có dịp hãm hại. Hiện đời thường được an ổn; lúc mạng sắp hết, tùy ý vãng sanh”.
Vì thế, lúc ngài vừa bớt bịnh liền kết thất trì chú bảy ngày. Những người ham Thiền Tịnh Song Tu hãy bắt chước ngài lấy việc chuyên tu làm trọng.
Kết am chuyên tu
Ðại sư Triệt Lưu Hành Sách đời Thanh là Tổ thứ mười của Liên Tông, là con của vị lão nho Tưởng Toàn Xương ở huyện Nghi Hưng. Ông mộng thấy đại sư Hám Sơn vào nhà, sanh ra ngài; nhân đó, đặt tên ngài là Mộng Hám.
Năm hai mươi ba tuổi, ngài xuất gia tại chùa Lý An ở Vũ Lâm. Suốt năm năm, chẳng đặt mình nằm xuống chiếu, đốn triệt nguồn pháp. Ít lâu sau, ngài trụ ở chùa Báo Ân, được bạn cùng tham thiền là Anh pháp sư ở Tức Am khuyên siêng tu Tịnh Nghiệp, Tiều Thạch Pháp Sư ở Tiền Ðường dẫn dụ ngài học hỏi giáo lý tông Thiên Thai, bèn cùng nhập tịnh thất, tu Pháp Hoa Tam Muội. Túc huệ đốn thông nên ngài thấu triệt tột cùng giáo tủy.
Từ đấy, ngài bèn dựng am ở Tây Khê thuộc Hàng Châu để chuyên tu Tịnh nghiệp, đặt tên cho chỗ mình ở là Liên Phủ Am (am búp sen). Về sau, ngài trụ tại Phổ Nhân Viện ở Ngu Sơn, đề xướng, hưng khởi Liên Xã, hoằng hóa thù thắng. Những trước tác của ngài như Liên Tạng Tập, Tịnh Ðộ Cảnh Ngữ v.v… được lưu hành trong đời. Ngài mất lúc năm mươi lăm tuổi.
Lúc bấy giờ có Tôn Hàn và người họ Ngô mắc bịnh chết rồi sống lại, đều kể là: “Bị sai nha cõi âm lôi đến dưới điện, chợt thấy quang minh rực trời, vua Diêm La phủ phục sát đất, nghênh tiếp Tây Quy Ðại Sư. Liếc trông thì ra là ngài Triệt Lưu. Nhờ quang minh của ngài chiếu đến nên được tha về”.
(theo Tịnh Ðộ Ước Thuyết)

Về Đầu Trang Go down
https://hoahaotanchau.forumvi.com
Admin

Admin


Nam Libra Rooster
Tổng số bài gửi : 4647
Points : 12281
Reputation : 0
Birthday : 19/10/1981
Join date : 23/08/2009
Age : 42
Đến từ : TÂN CHÂU
Job/hobbies : KỸ SƯ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Thấy tướng lành chẳng nói  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thấy tướng lành chẳng nói    Thấy tướng lành chẳng nói  Icon_minitimeTue Jun 07, 2011 3:08 am

Nhận định:
Ðốn triệt nguồn pháp, thấu triệt tột cùng giáo tủy mà sau đấy vẫn kết am chuyên tu để đề xướng hưng khởi Liên Xã hoằng pháp lợi sanh. Phàm là những kẻ mình chưa đắc độ mà muốn độ người thì có hợp lý chăng?
Nhật khóa mười vạn
Ðại sư Tỉnh Am Tư Tề Thật Hiền đời Thanh là Tổ thứ mười một của Liên Tông. Ngài họ Thời, người huyện Thường Thục. Từ nhỏ đã chẳng ăn mặn, bảy tuổi xuất gia. Năm hai mươi bốn tuổi, thọ Cụ Túc Giới, giữ giới nghiêm cẩn, chẳng ngả mình nằm xuống chiếu.
Vừa được phép lên diễn giảng, ngài đã chứng tỏ rõ cái học của mình cả về Tánh lẫn Tướng. Sau đấy, ngài tham cứu có phần chứng ngộ, bèn nói: “Ta tỉnh mộng rồi!”. Ngài đóng cửa am ba năm, ngày thì đọc Kinh Tạng, tối lấy Phật hiệu làm thường khóa.
Ngài đến lễ tháp chùa A Dục Vương. Vào ngày Phật nhập Niết Bàn, ngài tập hợp đông đảo cả Tăng lẫn tục thiết lễ cúng dường trọng thể, đốt ngón tay trước tượng Phật, phát bốn mươi tám đại nguyện, cảm xá lợi phóng quang. Ngài soạn ra Niết Bàn Sám và Khuyến Phát Bồ Ðề Tâm Văn để khích lệ tứ chúng, nhiều người tụng đến ứa lệ.
Về già, ngài về ở chùa Tiên Lâm tại Hàng Châu, kết Liên Xã chuyên tu Tịnh Nghiệp, soạn văn ước thệ cùng đại chúng lấy hết cả đời làm hạn. Nhiếp hóa khắp ba căn, pháp hóa lợi lạc khắp tất cả.
Mùa Ðông năm Ung Chánh thứ mười một, ngài cho biết trước ngày mười bốn tháng Tư năm sau sẽ Tây quy, rồi bế quan một thất, mỗi ngày niệm Phật mười vạn tiếng. Ðến kỳ, ngài bảo: “Ngày giờ đã tới, lại thấy Tây Phương Tam Thánh, sẽ sắp vãng sanh ư?”
Ngài liền đọc kệ từ biệt đại chúng, tắm gội sạch sẽ, thay áo, hướng mặt về Tây ngồi im lặng. Người đưa tiễn lũ lượt kéo đến, ngài chợt mở mắt bảo:
- Ta đã đi rồi lại trở về. Sanh tử là việc lớn, ai nấy phải tịnh tâm niệm Phật mới được!
Rồi ngài chắp tay niệm Phật mà tịch, thọ bốn mươi chín tuổi.
(theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)
Nhận định:
Nhớ số trì danh để phòng biếng nhác. Ðại sư biết trước thời giờ mà vẫn bế quan tinh tấn, nhật khóa niệm Phật cả mười vạn tiếng. Ðúng là còn một hơi thở chẳng chịu lười nhác chút nào, thật là tấm gương niệm Phật vậy!
Càng bịnh tật khốn khổ càng thêm thiết tha
Ðại sư Ðạo Triệt đời Thanh, người huyện Tiền Ðường. Xuất gia tham học các sư, sau khi phát minh được bản tánh rồi bèn chuyên tu Tịnh nghiệp. Ngài trụ tại am Văn Thù ở Hàng Châu.
Ngài định kỳ bế quan: trong thất không để bất cứ vật gì dài lớn, ngoại trừ một cái ghế và một cái đơn (1) [(1) Ðơn: là một tấm gỗ thô hẹp, dài; kê thay cho giường nằm. Vì miếng gỗ ấy chỉ vừa đủ cho một người nằm khít nên gọi là đơn.] mà thôi! Mới được vài ngày đã mắc bịnh rất nặng, ngài tự cổ vũ mình: “Niệm Phật chính là vì sanh tử, lẽ nào lại vì bịnh mà biếng nhác ư?” rồi trì danh hiệu Phật càng thêm khẩn thiết.
Ðột nhiên, kim quang chiếu rực cả thất, Phật xoa đầu ngài, bệnh lành ngay lập tức; ngài liền đắc Niệm Phật Tam Muội. Ði, đứng, nằm, ngồi trọn không còn có niệm nào khác. Suốt ba năm như thế, đến ngày rằm tháng Ba, ngài xuất quan, lên tòa giảng Pháp Hoa, bảo đại chúng rằng:
- Chừng bảy tháng sau nữa, ta sẽ về Tây; các ông có thể đến tiễn.
Ðến kỳ, ngài bèn thiết lễ Vu Lan Bồn Hội. Chúng nhóm lại, nhắc lại lời ngài dự báo trước đây. Ngài nói: “Quả có thế, hãy chờ một chút!”. Ngày hôm sau, ngài bèn dặn dò trụ trì thiết trai giã biệt đại chúng rồi vào khám, ngồi yên lặng, dứt hơi thở. Giây lâu sau, tỉnh lại, bảo:
- Chia tay cùng các ông, chẳng thể không nói một lời. Sa Bà khổ không nói nổi, Cực Lạc vui không nói nổi. Nếu còn nghĩ nhớ đến tôi thì chỉ niệm A Di Ðà Phật, chẳng lâu sau sẽ lại thấy nhau. Bỏ lỡ đời này, luân chuyển trong đêm dài, đau đớn lắm, đau đớn lắm!
Nói xong bèn tịch, thọ bốn mươi tám tuổi.
(theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)
Nhận định:
Bịnh càng bức bách càng thêm khẩn thiết cho nên đắc Niệm Phật Tam Muội. Thật đúng là lấy bịnh khổ làm thuốc hay, biến trở ngại thành thông suốt vậy! Tự chủ được trong khi bịnh thì lúc chết cũng tự chủ được nên có thể đi về tự tại như vậy!
Phật xuất hiện theo ý
Ðại sư Huệ Minh đời Thanh, người Ngân Huyện, trụ chùa Báo Quốc ở Hàng Châu. Tánh tình chất trực, chỉ biết niệm Phật. Mỗi khi ngài chấp trì hồng danh, âm thanh như sóng vỗ, nhang hết chẳng hay.
Ðược ai cúng thí ngài liền dùng để phóng sanh. Khi phóng sanh loài nào đều xưng danh hiệu Phật, hồi hướng Tây Phương. Gặp ai, chẳng hỏi thăm xã giao mà chỉ nói: “[Coi chừng] cái chết xảy đến đó, niệm Phật gấp đi!” Nếu ai hỏi đến sở đắc, liền nói:
- Lúc trước tôi bị bịnh nhiệt nặng lắm, mấy lần chẳng gắng gượng nổi, may là trong ý căn có một câu Phật hiệu thì nơi đảnh có một câu phát ra, liên miên như thế chẳng ngơi; nhờ đó mà được bịnh được lành. Từ đấy, chẳng cần biết là nói năng, im lặng, động, tịnh cứ hễ trong tâm có một câu Phật hiệu phát sanh thì từ trên đảnh đầu có một câu Phật hiệu phát ra.
Sau ngài bị bịnh ung loét ở cổ, biết là túc nghiệp hiện tiền, trọn chẳng rên rỉ, than vãn. Lúc lâm chung, vẻ mặt vui tươi, niệm Phật qua đời.
(theo Nhiễm Hương Tập)
Nhận định:
Niệm Phật như sóng dồn, nhang hết không hay; thấy người khác chẳng hỏi chuyện hàn huyên; đúng là công phu đã đạt đến mức thuần thục. Tuy bịnh nguy ngập nhưng trong tâm câu Phật hiệu vẫn cuồn cuộn phát ra, đúng là: vô niệm mà niệm, bịnh chẳng gây trở ngại gì!
Nhiếp Thiền quy Tịnh
Ðại sư Mộng Ðông Nột Ðường Triệt Ngộ Tế Tỉnh là Tổ thứ mười hai của Liên Tông. Ngài họ Mã, người huyện Phong Nhuận. Thuở nhỏ thông kinh sử, năm hai mươi hai, do mắc bịnh bèn tỉnh ngộ xuất gia, tham học khắp nơi, thông hiểu rộng khắp hai tông Tánh và Tướng.
Ngài tham học với Túy Như thiền sư, tỏ ngộ thấu suốt, được kế vị làm trụ trì chùa Quảng Thông ở kinh đô, hướng dẫn đại chúng tham thiền, tông phong đại chấn.
Về sau, do túc nghiệp sâu nặng nên lắm bịnh duyên, nghĩ trong Ngũ Ðình Tâm Quán của bên Giáo, đối với người nhiều chướng thì dùng Niệm Phật để trị. Vả lại, các vị đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền v.v…, các vị đại Tổ Sư như Mã Minh, Long Thọ… các vị đại thiện tri thức như Trí Giả, Vĩnh Minh, Sở Thạch, Liên Trì v.v… thảy đều quy tâm vào một môn này; lẽ nào vì cớ người đời coi thường mà ta chẳng dám quy mạng. Ngài liền bỏ tham thiền để niệm Phật, chuyên tu Tịnh nghiệp.
Mỗi ngày ngài hạn định chỉ tiếp khách chừng tàn một cây hương, những thời giờ còn lại để chuyên lễ niệm.
Về già, ngài ở chùa Tư Phước thuộc núi Hồng Loa, người theo học ngày càng nhiều, dần dần trở thành một đạo tràng của Liên Tông. Tâm ngài chẳng hề chán mỏi sự nghiệp vì pháp, vì người, một mực lấy Tịnh Ðộ làm chỗ quy hướng. Mỗi khi ngài diễn nói về ân đức cứu khổ ban vui của đức Như Lai, nói ra mỗi chữ là lệ rơi đầm đìa. Người nghe cũng thường khó ngăn được lệ đẫm cả áo. Hai quyển Ngữ Lục của ngài thật tối cần thiết.
Mười tháng trước khi ngài lâm chung, ngài đã báo sẵn kỳ hạn quy Tây, dặn dò những kẻ ngoại hộ:
- Huyễn duyên chẳng dài lâu, đáng tiếc kiếp sống uổng. Ai nấy nên nỗ lực niệm Phật, năm sau sẽ thấy được hảo tướng Tịnh Ðộ.
Ðến kỳ, ngài thị hiện mắc bịnh, bảo đại chúng trợ niệm. Chợt thấy trên không vô số tràng phan từ phương Tây bay lại. Ngài bảo đại chúng:
- Tướng Tịnh Ðộ hiện, ta sắp về Tây.
Lại bảo:
- Ðược Phật đích thân tiếp dẫn, ta đi đây!
Ðại chúng xưng niệm Phật hiệu càng mạnh mẽ, đại sư ngồi hướng mặt về Tây mà tịch, thọ bảy mươi tuổi. Ðại chúng ngửi thấy mùi hương ngập tràn không trung. Quàn xác ngài, mở nắp quan suốt bảy ngày, vẻ mặt vẫn như lúc sống. Trà tỳ thâu được hơn trăm viên xá lợi.
(theo Triệt Ngộ Thiền Sư Ngữ Lục)
Nhận định:
Sau khi đã thông suốt cả Tông lẫn Giáo còn chuyên tu Tịnh nghiệp, ngài đúng là bậc “có Thiền có Tịnh Ðộ” nên được làm thầy trời người, làm Phật, làm Tổ, nhưng ngài chẳng phải là Thiền Tịnh Song Tu! Lúc lâm chung đại chúng bảo đại chúng trợ niệm để làm gương cho đời!
Lễ niệm cùng hành
Ðại sư Trúc Phong Viên Dung đời Thanh, họ Diêu, người huyện Ðức Thanh. Năm mười ba tuổi, xuất gia thọ Cụ Túc Giới, trì giới không khiếm khuyết. Ngài đặc biệt thích lễ niệm, lập chí quyết định vãng sanh Tây Phương.
Ngài chẳng nuôi đệ tử, chẳng tự trụ trì am viện, luôn ở nhờ người khác để tu tập hòng khỏi bị phân tâm. Ngài không ở chỗ nào nhất định, hợp thì lưu lại, chẳng hợp thì đi. Tánh tình phóng khoáng, chẳng câu chấp mà cũng chẳng thích làm theo mọi người. Ngài thường đóng cửa am ở yên tịnh, thực hành cả lễ lẫn niệm: Chẳng lễ thì niệm, không niệm thì lễ, chẳng lúc nào gián đoạn, cũng chẳng tu pháp nào khác, chỉ lấy đó làm pháp tu suốt đời.
Vào giữa trưa, sư thường gõ mõ niệm Phật mãi cho đến sắp rạng đông ngày hôm sau, người khác thấy ngài trọn chẳng nghỉ ngơi bèn lớn tiếng gọi, ngài mới ngưng, tự bảo là giống như mới niệm được nửa ngày mà thôi. Hỏi ngài có đói không? Liền đáp:
- Trong miệng tôi thường có nước ngọt như mật thấm đẫm cổ họng, thọ dụng vô lượng nên chẳng nghĩ đến ăn uống gì nữa!
Ngài chẳng đặt mình nằm xuống chiếu suốt cả mấy mươi năm, cho nên ít ngủ. Dù có chợp mắt chốc lát, cũng chẳng rời việc lễ niệm nên không còn có duyên nào khác. Trong mộng, ngài thường thấy Phật và Bồ Tát hoạt động như đang hiện tiền, khuyên dạy, tưởng lệ, hoặc hướng dẫn niệm Phật.
Chợt ngài biết đã đến lúc, bèn niệm Phật mà tịch, thọ sáu mươi bốn tuổi, đảnh đầu còn hiện tướng nóng bừng.
(theo Nhiễm Hương Tục Tập)
Nhận định:
Chẳng nuôi đồ chúng, sống không chỗ nhất định, đúng là bậc giải thoát thanh thản. Niệm Phật suốt đêm ngày, chẳng ai gọi thì chẳng ngưng, chẳng đói, chẳng khát, mộng và tỉnh đều giống hệt nhau. Nếu chẳng phải là đã đắc Niệm Phật Tam Muội thì làm sao làm được như thế?
Chẳng niệm mà tự niệm
Ðại sư Mặc Am Chơn Nguyên Thượng Nhân đời Thanh, họ Chu, người huyện Hành Châu, tỉnh Hồ Nam. Thuở nhỏ, ngài đã dĩnh ngộ, thông tiệp, có ý tưởng xuất thế. Cha mất sớm, mẹ tính cưới vợ cho, bèn trốn đi xuất gia.
Thọ Cụ Túc Giới, nghiên cứu tinh tường Tam Tạng, thâm nhập giáo nghĩa. Sau khi tham học khắp cả Nam Bắc [Trung Hoa] ngài bèn dựng tinh xá Chúc Thánh ở Nam Nhạc, giới luật tinh nghiêm, siêng năng, khẩn thiết thầm tu. Mỗi ngày niệm Phật sáu vạn tiếng. Lâu ngày, chẳng niệm mà tự niệm, không lúc nào gián đoạn.
Sau đấy, ngài ở tại chùa Ðại Thiện thuộc Nam Nhạc, phỏng theo khuôn phép của thiền sư Triệt Ngộ. Thập phương đến học; vì có chỗ chẳng dung hợp nhau nên ngài bèn dùng phép Giáo Quán của tông Thiên Thai để dẫn dắt, lấy Tịnh Ðộ Di Ðà làm chỗ quy hướng rốt ráo.
Ðột nhiên, nhà chùa muốn giao ngài đứng đầu trông coi mọi việc trong chùa, ngài bảo: “Tôi sắp về Tây!”. Ngài liền cử hành Phật thất 2 tuần, trong định thấy ao bảy báu, nước bát công đức. Ngài liền hiện tướng bịnh nhẹ, khước từ thuốc thang, nhất tâm niệm Phật, bảo đồ chúng luân phiên trợ niệm.
Ngài trông thấy tướng bạch hào của Phật A Di Ðà sáng rực, bèn ngồi ngay thẳng hướng về Tây. Khi ấy, những người trợ niệm gõ mõ càng nhanh, ngài bèn bảo thôi gõ, chỉ cùng nhau niệm Phật đến hơn trăm câu, chắp tay mà tịch, thọ sáu mươi bốn tuổi.
(theo Cận Ðại Vãng Sanh Truyện)
Nhận định:
Chẳng niệm mà tự niệm chính là niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm. Nếu chẳng phải là tận lực niệm đến mức thuần thục thì sao mà làm được nổi như thế?
Trước khi lâm chung còn cử hành Phật thất, bảo đại chúng trợ niệm để cầu được quyết định vãng sanh. Tiếng mõ gõ quá ồn chẳng thuận tiện cho việc trợ niệm nên sư bảo thôi gõ, chỉ nên đồng thanh niệm Phật.
Hễ niệm Phật liền niệm lớn tiếng
Ðại sư Chánh Thành thời Dân Quốc, họ Châu, người huyện Qua Dương, tỉnh Giang Tây. Nhà nghèo, sư thường niệm Phật cầu sanh Tây phương. Cho đến lúc không phải phụng dưỡng ai, chôn cất vợ xong xuôi, tuổi đã sáu mươi tám, ngài mới đem con đi xuất gia, tu trì cật lực. Ở trong núi suốt mười ba năm, sư chưa hề nằm xuống giường.
Hễ niệm Phật là ngài niệm lớn tiếng, thường niệm đến lúc toàn thân ướt đẫm mồ hôi rồi mới ngưng. Người khác ghét ngài niệm oang oang thường hay quở mắng. Bạn đồng tu thường khuyên ngài niệm nhỏ tiếng để khỏi bị người khác ghét, ngài chỉ cười, bảo đúng. Ðến lúc niệm Phật vẫn niệm lớn tiếng như cũ mà chẳng tự biết.
Ngài thường niệm Phật bên gốc tùng trong chùa hoặc tịnh tọa trước ngọn núi. Mỗi khi ngài thấy tượng Phật đứng trên đỉnh núi thường hay gọi người khác đến xem. Ai đến thì chẳng thấy nữa.
Ngài chợt biết thời giờ đã đến, bèn nói kệ, ngồi ngay ngắn niệm Phật mà hóa.
(theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục, bản in lần thứ ba)
Nhận định:
Do niệm Phật, tâm chuyên chú, đã đạt đến cảnh giới Nhất Tâm nên lúc niệm Phật chỉ biết niệm Phật, không còn niệm nào khác; tiếng niệm Phật lớn hay nhỏ có làm phiền người khác hay không ngài cũng chẳng hay! Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt và Ðại Trang Nghiêm Kinh Luận đều bảo lớn tiếng niệm Phật có mười công đức:
1. Một là bài trừ cái chướng mê ngủ.
2. Hai là thiên ma kinh sợ.
3. Ba là tiếng vọng khắp mười phương.
4. Bốn là tam đồ được dứt khổ.
5. Năm là những tiếng động bên ngoài chẳng lọt vào.
6. Sáu là khiến cho tâm chẳng tán loạn.
7. Bảy là dũng mãnh tinh tấn.
8. Tám là chư Phật hoan hỷ.
9. Chín là tam muội hiện tiền.
10. Mười là vãng sanh Tịnh Ðộ.
Những điều ấy là những chứng cớ khiến ta càng thêm tin tưởng.
Chuyên niệm Quán Âm
Ðại sư Kim Trược thời Dân Quốc, người Ðài Châu. Tám tuổi xuất gia, ít lâu sau là được thọ giới. Ðược thầy dạy tụng chú Ðại Bi và niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, ngài liền mỗi ngày tụng chú bốn mươi tám biến; ngoài ra, chuyên trì thánh hiệu chưa hề gián đoạn.
Ngài xem danh lợi như bào ảnh; tập khí, thị hiếu đều tiêu trừ hết chẳng còn sót. Lúc bấy giờ, ngài trị bịnh cho người khác, vừa đặt tay lên bịnh đã được lành, chẳng nhận thù lao. Ngài ngụ trong một ngôi miếu nhỏ, gặp phải nạn cướp. Bọn cướp thấy ngoại trừ chiếc cà sa rách, không còn có vật gì khác, giận quá liền dùng thương đâm ngài, đâm hai nhát vào phía phải trên trán, đâm một nhát trúng tay phải, chưa chết. Ít lâu sau, thương thế lành, nhưng vết thương vẫn còn in dấu.
Ðột nhiên, ngài qua tạm trú ở chùa A Dục Vương thuộc thành phố Ninh Ba. Vị tăng quản đường kê đơn, ngài liền bảo:
- Tôi ở đây chẳng lâu sẽ vãng sanh Tây Phương. Kính xin ngài từ bi!
Liền bảo đại chúng:
- Quán Thế Âm Bồ Tát tay cầm đài bạc đã hiện thân trước mặt tôi, trong ba ngày nữa, tôi sẽ vãng sanh. Xin các vị đồng tham hãy già dặn, chắc thật niệm Phật hoặc niệm Bồ Tát. Nhất tâm xưng danh quyết sẽ sanh về Tây Phương. Phật chẳng nói dối.
Ðến thời, ngài liền hướng về vị sư quản đường nói:
- Sau chánh ngọ một giờ, tôi sẽ sanh Tây.
Mọi người cho là ngài nói dối. Giữa trưa, ngài vẫn dùng cơm như thường, lễ Phật tại các điện xong bèn ngồi hướng mặt về Tây mà hóa.
(theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục, bản in lần thứ ba)
Nhận định:
Vị này chuyên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thoát khỏi nạn chết, cũng muốn làm gương tốt vãng sanh Tây Phương nên chẳng chết trong miếu nhỏ mà tọa hóa tại ngôi chùa A Dục Vương danh tiếng, vì đại chúng hiện thân thuyết pháp.
Làm việc nặng vẫn niệm Phật không gián đoạn
Ðại sư Cụ Hạnh Nhật Biện thời Dân Quốc, người huyện Hội Lý ở Vân Nam. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi ở rể nhà họ Tăng ở Diêm Nguyên, sanh được hai con trai. Nhà nghèo, ngài phải làm thuê cho Chúc Thánh ở núi Kê Túc. Năm hai mươi mốt tuổi, ngài dẫn cả nhà tám người xin đi xuất gia, thọ Cụ Túc.
Hòa Thượng Hư Vân dạy ngài tu pháp môn Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Ðộ. Ngài bèn dứt bỏ các duyên, nhất tâm hệ niệm. Ngài tai điếc, mặt mũi xấu xí, không biết chữ, ngày trồng rau, đêm lễ bái, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Rảnh rỗi thì tập tịnh tọa, học khóa tụng và các kinh điển, tự siêng gắng hết sức. Sư vừa đi tham bái tứ đại danh sơn trở về đất Ðiền (Vân Nam), gặp lúc ngài Hư Vân trùng hưng chùa Vân Thê, hỏi:
- Thầy đã đi thăm quyến thuộc chưa?
Sư thưa:
- Con chẳng bận tâm đến họ.
Hòa Thượng lại hỏi:
- Thầy tính làm gì?
Thưa:
- Những việc nặng nhọc nhất không ai chịu nổi, con sẽ gánh vác.
Phàm là những việc nặng như đắp tường, lợp nhà, trồng rau, trồng cây, vác đá, đào đất, quét tước, nấu nướng, ngài đều làm không lúc nào ngơi tay, nhưng không một khắc nào để câu niệm Phật bị gián đoạn.
Khi đêm xuống, vào lúc chỉ tịnh, ngài bèn lễ các kinh Kim Cang, Dược Sư, các kinh Tịnh Ðộ; cứ một chữ là một lạy. Tảng sáng, hồng chung vừa gióng, đã lên điện tham dự khóa tụng như thường, chưa hề ngủ nghỉ. Ngài tự vá áo, hoặc chằm vá áo giùm bạn đồng tham, mỗi một mũi kim là một câu Phật hiệu.
Trong kỳ hạn kết giới, được thỉnh làm Tôn Chứng, ngài bèn bán y, đem hết tiền mua sắm vật dụng để thiết trai cúng dường đại chúng. Hỏi ngài sẽ đi đâu, chỉ cười không nói. Giới đàn hoàn tất, ngài ngầm lên điện sau cùng, ngồi xếp bằng, hướng về Tây niệm Phật, dùng lửa tự thiêu, thọ ba mươi sáu tuổi. Hình trạng vẫn như lúc sống, mùi hương lạ lan tận ra xa.
Ðại chúng tranh nhau đến xem, vừa đánh khánh, di thể ngài chợt sụp xuống, hóa thành tro.
(theo Hư Vân Hòa Thượng Niên Phổ)
Nhận định:
Một chữ chẳng biết, nhưng lúc làm công việc nặng nhọc chưa hề gián đoạn niệm Phật. Chúng ta là những kẻ biết chữ đọc được sách, nếu cứ lơi là để uổng phí ngày tháng trôi qua há chẳng biết thẹn chăng?
Nhưng tự thiêu là chưa đắc tam muội. Chớ nên manh nha vọng niệm như vậy để khỏi bị ma dựa phát cuồng, vĩnh viễn đọa trong ác đạo!
Bế quan tinh tu
Ðại sư Thường Tàm Quý Tăng Ấn Quang Thánh Lượng là Tổ thứ mười ba của Liên Tông. Ngài họ Triệu, là người huyện Cáp Dương, tỉnh Thiểm Tây. Thuở nhỏ học Nho, từng bài xích Phật, mắc bịnh mắt mấy lượt suýt mù, mới biết lỗi trước.
Năm hai mươi mốt tuổi, xuất gia thọ Cụ Túc Giới. Ðọc cuốn Long Thư Tịnh Ðộ Văn, biết được Niệm Phật chính là đạo trọng yếu để liễu sanh thoát tử, ngài liền chuyên niệm Phật hiệu. Trong lúc làm lụng, tâm chẳng rời niệm Phật. Sau ngài trụ tại chùa Tư Phước ở núi Hồng Loa, chuyên tu Tịnh Ðộ và thâm nhập Kinh tạng, diệu khế Phật tâm.
Ngài triều bái Ngũ Ðài, đến kinh đô, theo hòa thượng Hóa Văn thỉnh Ðại Tạng về Phổ Ðà, trụ tại chùa Pháp Vũ, dốc chí tinh tu, bế quan suốt sáu năm, lấy đó làm kỳ hạn, ngày đêm niệm Phật hòng sớm đắc Niệm Phật Tam Muội. Các vị như cư sĩ Từ Úy Như v.v… đem in bộ Văn Sao của ngài khiến cho sự giáo hóa của ngài càng được rộng rãi. Ngài tự hành và dạy người, một lòng lấy Tịnh Ðộ làm chỗ quy hướng, chẳng lìa nhân quả, chẳng lạm bàn huyền luận diệu. Người quy y ngài hơn hai mươi vạn, kẻ y giáo phụng hành được sanh Tây Phương cũng rất nhiều.
Ngài còn hóa độ cả những tù nhân và dị loại, thường trì chú Ðại Bi vào nước và gạo để chữa các bịnh. Về sau, ngài bế quan tại chùa Báo Quốc ở Tô Châu. Ngoài những lúc hành trì thời khóa lại lo hiệu đính, bổ cứu những bản tự chí của các núi Phổ Ðà, Thanh Lương, Nga Mi, Cửu Hoa v.v…
Xưa kia ngài đã nguyện chẳng làm trụ trì, chẳng thâu đồ chúng; nhân vì Tăng, tục theo về quá đông, ngài mới khai sáng Tịnh Tông Ðạo Tràng ở núi Linh Nham để đại chúng cùng tu. Ngài sáng lập Hoằng Hóa Xã (nhà xuất bản Hoằng Hóa), in tặng năm trăm vạn bộ kinh sách Phật, hơn trăm vạn bức hình Phật. Ngài bảo vệ pháp môn, trung hưng Tịnh Tông, cứu tế kẻ đói nghèo, quyên góp trợ giúp kẻ túng ngặt, công chẳng thể nghĩ bàn nổi.
Về sau, ngài về lại Linh Nham (2) [(2) Ðại Sư sáng lập Linh Nham nhưng không ở đó mà giao cho pháp sư Chơn Ðạt trông coi, lui về ẩn cư ở Tô Châu, năm 77 tuổi mới về lại Linh Nham], biết trước đã đến lúc, dạy đại chúng:
- Niệm Phật thấy Phật, quyết định sanh Tây. Ðược Phật tiếp dẫn, ta đi đây!
Ngài hướng về Tây niệm Phật, tọa hóa, thọ tám mươi tuổi. Lúc trà tỳ, hàm răng còn nguyên, xá lợi ngũ sắc thu được mấy ngàn hạt.
(theo Ấn Quang Ðại Sư Hạnh Nghiệp Ký)
Nhận định:
Tổ Sư là Ðại Thế Chí Bồ Tát lai thế nhằm trung hưng Tịnh Tông mà vẫn còn thường bế quan tinh tu, ngày đêm niệm Di Ðà! Bọn phàm phu ta há nên qua loa biếng nhác chẳng chịu dũng mãnh tinh tấn sao?
Thường ngồi chẳng nằm
Ðại sư Quảng Khâm Chiếu Kính thời Dân Quốc, họ Hoàng, người huyện Huệ An tỉnh Phước Kiến. Năm ngài mới bốn tuổi, vì nhà nghèo nên phải bán vào nhà họ Lý ở Tấn Giang làm con nuôi.
Ngài thể chất yếu đuối, lắm bịnh, theo mẹ nuôi thờ Phật, ăn chay. Năm mười một tuổi, vì cha mẹ nuôi đều mất cả, ngài bèn xin xuất gia tại chùa Thừa Thiên ở Tuyền Châu. Nhà chùa sai làm các việc bên ngoài như trồng rau, nhổ cỏ… Sau ngài qua Nam Dương, đến năm ba mươi sáu tuổi mới trở về chùa Thừa Thiên chính thức thế phát. Thế phát xong, ngài chuyên chí tu khổ hạnh, thường ngồi chẳng nằm, nhất tâm niệm Phật.
Năm bốn mươi hai tuổi, sau khi thọ Cụ Túc Giới, ngài càng quyết chí tiềm tu, qua thạch động bên sườn núi Thanh Nguyên ở Tuyền Châu để tọa Thiền niệm Phật, chỉ dùng các loại khoai rừng, quả dại để đỡ lòng. Trong núi có nhiều hổ, vượn. Từ đó, khỉ, vượn đến dâng quả, mãnh hổ đến quy y nên ngài được xưng tặng nhã hiệu là Phục Hổ Sư (vị thầy hàng phục hổ). Sư thường nhập định, từng có lần nhập định cả mấy tháng chẳng ăn uống, chẳng động đậy.
Tháng Sáu năm Dân Quốc thứ 36 (1947), lúc đã năm mươi sáu tuổi, ngài vượt biển đến Ðài Loan, khoét thạch động Quảng Minh ở phía sau núi Tân Ðiếm thuộc Ðài Bắc để ẩn cư tiềm tu. Chỗ ấy về sau khuếch trương thành chùa Quảng Minh. Mặt sau phía bên phải động có vách đá lớn, ngài bèn chạm khắc thành tượng Phật A Di Ðà lớn bằng đá. Phía dưới, về bên trái lại khoét thành thạch động; sau được mở rộng thành chùa Quảng Chiếu.
Sau này, ngài tìm được thạch động thiên nhiên ở Thổ Thành, đột nhiên có suối nước trong từ đá phun ra, mãng xà quy y. Ngài lại khuếch trương nơi ấy thành chùa Thừa Thiên, tiếp dẫn đệ tử đồng tu. Năm Dân Quốc 58 (1969), sư khai sáng Quảng Thừa Nham ở trấn Thổ Thành.
Ðáp lời cầu thỉnh nhiều lượt của tín chúng, sư đến các địa phương Hoa Liên, Ðài Trung, Nam Ðầu, Gia Nghĩa, Cao Hùng v.v… hoằng pháp độ chúng. Kế đó, ngài kiến lập chùa Tường Ðức ở Thiên Tường, chùa Quảng Long ở núi Long Tỉnh v.v… thâu nạp đông đảo đồ chúng.
Ngài thường ngồi xếp bằng niệm Phật, từng nhập định ba lần, mỗi lần ước chừng cả tuần trở lên. Hằng ngày, sư chỉ ăn trái cây, uống nước để sống nên lại được tặng nhã hiệu là Thủy Quả Sư. Sau cùng, ngài hoạch định việc tạo dựng chùa Diệu Thông ở làng Lục Quy thuộc thành phố Cao Hùng, truyền thọ tam đàn thành công viên mãn. Tứ chúng đệ tử cầu giới nơi ngài nhiều đến cả mấy ngàn. Ðệ tử quy y nhiều hơn nữa. Ngài có những tác phẩm Khai Thị Lục, Truyền Kỳ Sự Tích… được ấn hành lưu truyền trong đời.
Sư thân gầy gò nhưng thể chất mạnh khỏe, hành động mẫn tiệp. Ngày hai mươi sáu tháng Chạp năm Dân Quốc bảy mươi bốn (1985), sư cấp tốc trở về chùa Thừa Thiên. Ngày mồng Một tháng Giêng năm sau, vào lúc sáng sớm, sư triệu tập đệ tử phụ trách các phân viện và đại chúng chùa Thừa Thiên, nhất nhất phó chúc hậu sự xong, liền trở về chùa Diệu Thông, suất lãnh đại chúng ngày đêm niệm Phật, tinh thần càng mạnh mẽ, tinh tường.
Hai giờ chiều ngày mồng Năm, sư chợt bảo đại chúng:
- Chẳng đến cũng chẳng đi, chẳng có việc gì!
Ngài hướng về đại chúng gật đầu, mỉm cười, an tường tọa hóa, thọ chín mươi lăm tuổi. Trà tỳ, lưu lại xá lợi rất nhiều.
(theo Quảng Khâm Hòa Thượng Niên Phổ và Lược Sử)
Nhận định:
Ðại Sư tuy chưa từng đọc sách, lúc nhỏ tuổi, thể chất yếu đuối lắm bịnh, theo dưỡng mẫu thờ Phật, ăn chay. Sau khi xuất gia chuyên chí tu khổ hạnh, thường ngồi chẳng nằm, nhất tâm niệm Phật. Sau khi đến Ðài Loan, tuy Ðại Sư tiềm tu, chỉ dùng trái cây và nước lã để sống, nhưng thân nhẹ nhàng, mạnh khỏe, lại sống rất thọ.
Dựng chùa, truyền giới, hoằng pháp độ chúng. Ðột nhiên, sư suất lãnh đại chúng niệm Phật, mỉm cười, tọa hóa thì ắt phải là Thượng Phẩm Thượng Sanh.
Xả Quán niệm Phật
Ðại sư Huệ Tam Tư Nguyên thời Dân Quốc, người huyện Uyển Bình tỉnh Hà Bắc. Năm mười bảy tuổi xuất gia. Ít lâu sau, thọ Cụ Túc, vào học trường Phật Giáo Học Hiệu tại tỉnh An Huy, nghiên cứu tinh tường nội điển.
Ngài nhận trách nhiệm trụ trì chùa Sùng Thọ và Quảng Thiện ở Bắc Kinh. Ngài kiến lập, hưng khởi đạo tràng Hoa Nghiêm. Trước giờ Ngọ mỗi ngày, ngài tụng kinh Hoa Nghiêm. Cuối năm, ngài kết Hoa Nghiêm Phật Thất, lãnh đạo đại chúng huân tu pháp Chơn Không Pháp Giới Quán; từng đốn nhập Pháp Giới Ðịnh. Sau khi khai tịnh, mới ngộ được hư không pháp giới lý sự vô ngại, pháp hỷ tràn đầy, khen là chưa từng có.
Từ đấy, ngài càng thêm tinh tấn, tu Quán chẳng lùi. Tháng Mười Một năm Dân Quốc thứ ba mươi bảy (1948), ngài đến Ðài Loan lúc bốn mươi tám tuổi, lãnh trọng trách giảng dạy tại Phật Học Viện chùa Viên Quang ở Trung Lịch. Năm sau, ngài đến Sở Giảng Dạy Học Tập Phật Học ở Tân Trúc giảng dạy Phật giáo, đồng thời giảng kinh ở chùa Nhất Ðồng suốt bảy năm.
Sư thường sống tại các chùa ở Ðài Bắc, Nội Hồ, Nam Ðầu… để giảng kinh, độ chúng không đếm nổi. Năm năm mươi lăm tuổi, ngài sáng lập chùa Phước Huệ trên núi Linh Sơn ở xã Thọ Lâm, Ðài Bắc. Mỗi năm, vào tháng Bảy, ngài lập pháp hội Ðịa Tạng kéo dài bảy ngày, truyền U Minh Giới một lần. Mỗi năm, tại Ðài Loan, khi truyền tam đàn đại giới và giới tại gia, sư thường được suy cử vào một trong tam sư. Cả cõi âm lẫn dương gian đều được lợi, pháp hóa lợi ích vô cùng!
Năm sáu mươi sáu tuổi, sư lại càng thêm thường tinh tấn, hằng khóa niệm Phật mỗi ngày là ba vạn câu. Năm tám mươi tuổi liền bắt đầu niệm Phật, tọa thiền cộng tu, và khởi xướng nghĩa chẩn cứu dân nghèo và thí thuốc trong khuôn viên nhà chùa; sáng lập thư viện để mọi người đến đọc sách; đề xướng, lo liệu việc giảng giải, học hỏi Phật học. Hạnh lẫn giải càng thêm sâu, phước huệ song tu.
Sư từng đáp ứng lời thỉnh sang Mỹ hoằng pháp, qua Ðại Hàn truyền giới, người thọ giới lên đến hơn năm ngàn người. Giữa trưa ngày mồng Tám tháng Bảy năm Dân Quốc 75 (1986), sau khi dùng cơm, sư chợt nói:
- Ta muốn đi đây!
Liền triệu tập tất cả đệ tử trong chùa, dặn dò:
- Sau khi ta mất, các con nên hợp tác với nhau.
Sau bữa cơm chiều, ngài không bịnh gì, đang đứng mà hóa, thọ tám mươi sáu tuổi.
(theo tạp chí Từ Vân số 126)
Nhận định:
Ðại Sư mỗi ngày tụng kinh Hoa Nghiêm, tu Chơn Không Quán, từng nhập Pháp Giới Ðịnh, từ đấy tu Quán chẳng lui sụt. Ðến năm sáu mươi tuổi, bắt đầu mỗi ngày hằng khóa niệm Phật ba vạn tiếng; đấy là bỏ Quán niệm Phật.
Từ năm tám mươi tuổi trở đi, chợt lại tọa Thiền, niệm Phật cộng tu. Ðấy là tuổi già tịnh tọa niệm Phật, chứ chẳng phải là Thiền Tịnh Song Tu. Không bịnh, đang đứng mà hóa, nhất định phải là Thượng Phẩm Thượng Sanh.
Tinh tấn Phật thất
Ðại sư Chử Vân Thật Tuyền Tỉnh Thế thời Dân Quốc, người huyện Như Cao, tỉnh Giang Tô. Ðến tuổi nhược quan (tuổi đôi mươi), xuất gia thọ giới. Ngài lần lượt tốt nghiệp các đại Phật Học Viện tại Hoa Lục, thâm nhập Tam Tạng, chuyên tu Tịnh Ðộ.
Năm Dân Quốc 39 (1950), sư theo quân đội sang Ðài Loan, lãnh chức thầy truyền giáo ở y viện hậu phương, tiếp dẫn vô số thương binh quy y Tam Bảo. Về sau đáp ứng lời thỉnh cầu khẩn khoản của phân hội Phật Giáo Ðài Loan, ngài trở về đảo truyền giáo, thâm nhập vùng thôn dã, hoằng dương Tịnh Ðộ. Ngài lần lượt chống tích trượng ra hải ngoại, viếng thăm các nước Mỹ, Gia Nã Ðại, Ðại Hàn, Thái, Việt Nam v.v… tuyên dương Phật pháp, thăm hỏi kiều bào. Ngài vì nước vì đạo dốc bao công lao!
Năm Dân Quốc 47 (1958), sau khi bế quan tiềm tu, ngài hoằng pháp lợi sanh chẳng tiếc sức. Năm Dân Quốc 61 (1972), ngài bắt đầu đề xướng việc tu tập Tinh Tấn Phật Thất, mỗi ngày niệm Phật đến tàn hết chín cây hương, lễ Phật một ngàn lạy, lấy thân mình làm gương để hóa đạo tứ chúng và các sinh viên đại học chuyên ngành Phật học. Suốt mười lăm năm, sư đều giữ đúng như buổi đầu.
Ngài lại dự trù kiến lập chùa Thanh Lương Hộ Quốc ở Hoa Sơn thuộc Ðài Trung, dựng Tịnh Tông Phật Học Viện để chuyên hoằng truyền Tinh Tấn Phật Thất Tịnh Ðộ Ðạo Tràng.
Trước tác có: Phật Giáo Dữ Cơ Ðốc Giáo Tỷ Giảo (so sánh Phật giáo và Cơ Ðốc giáo), Nam Hải Phổ Ðà Sơn Truyền Kỳ Dị Văn Lục (ghi chép về những chuyện kỳ lạ được lưu truyền ở núi Phổ Ðà trong Nam Hải), Phật Môn Dị Ký (ghi chép những chuyện lạ nơi cửa Phật), Chử Vân Pháp Sư Giảng Diễn Tập, Tinh Tấn Phật Thất Khai Thị Lục… hơn mười cuốn, được lưu hành rộng rãi trong nước lẫn hải ngoại, rộng tiếp độ tín chúng.
Tháng Bảy năm Dân Quốc 75 (1986), ngài biết trước thời khắc, từ tinh xá Di Ðà ở Ðài Bắc điện thoại cho pháp sư Huệ Khải chùa Thanh Lương Hộ Quốc ở Thái Bình, Ðài Trung:
- Tôi muốn đến Liên Xã ở Phụng Hoàng Sơn tạm ngụ hai mươi ngày, tôi muốn đi rồi!
Quả nhiên, 9 giờ tối ngày hai mươi ngài tới Liên Xã, mỗi ngày niệm Phật, kiêm trì chú Vãng Sanh một trăm hai mươi biến. Ðến chín giờ tối ngày mồng Chín tháng Tám, vừa đúng hai mươi ngày (ngài ngụ tại đó), ngài liền nằm yên lành, tay lần xâu chuỗi, môi khẽ động niệm Phật, chợt dặn dò đệ tử đứng hầu:
- Mọi người hãy chăm chỉ niệm Phật.
Rồi an tường vãng sanh, thọ sáu mươi tám tuổi.
(theo Chử Vân HòaThượng Kỷ Niệm Chuyên Tập)
Nhận định:
Phật dạy: “Nghe nói A Di Ðà Phật, chấp trì danh hiệu hoặc một ngày, cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn. Lúc lâm chung liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc” cho nên phải tinh tấn niệm Phật trong bảy ngày thì mới hòng đạt được nhất tâm bất loạn.
Nếu bảy ngày chẳng thành thì điều dưỡng tinh thần, lại tinh tấn thêm một thất, hai thất cho đến bảy thất. Nếu vẫn chẳng đắc Nhất Tâm Bất Loạn phải dõng mãnh, tinh tấn, thường tu Phật thất thì lâu ngày sẽ tự đạt được Nhất Tâm Bất Loạn. Xin hãy bắt chước đại sư tinh tấn.
Luật Tịnh song hoằng (hoằng dương Luật tông và Tịnh tông đồng thời)
Ðại sư Ðạo Nguyên Trung Luân Năng Tín thời Dân Quốc, họ Vương, người Thương Thủy tỉnh Hà Nam. Từ bé đã thông duệ, bảy tuổi vào trường đọc sách; hai mươi tuổi xuất gia. Không lâu sau, thọ Cụ Túc, thân cận đại sư Từ Châu ở tỉnh Giang Tô và đại sư Ấn Quang chùa Linh Nham.
Ðối với hai tông: Luật tông và Tịnh tông, ngài được thọ truyền và tâm đắc thâm sâu. Ngài liền bế quan ba năm, tiềm tu Tịnh nghiệp, dùng hai tông Luật và Tịnh để tự hành và hóa độ người, chẳng tiếc sức. Sư triều lễ ba đại danh sơn: Phổ Ðà, Cửu Hoa, Ngũ Ðài; từng đảm nhiệm chức giáo sư và chủ giảng tại các Phật học viện.
Sư liên tiếp đảm nhiệm vai trò Giáo Thọ trong sáu lần Giới Ðàn. Ngài trụ trì các chùa Ðâu Suất ở Hà Bắc, chùa Vân Tuyền Sơn ở Trương Gia Khẩu, chùa Tịnh An ở Thượng Hải… Ngài luôn giảng diễn Giới Luật, hoằng dương Tịnh Ðộ. Giải hạnh đều thâm sâu, tứ chúng quy ngưỡng!
Tháng Ba năm Dân Quốc ba mươi tám (1949), sư qua Ðài Loan, sáng lập Tịnh Ðộ Tông Hải Hội Tự ở núi Chánh Ðạo thuộc phường Bát Ðổ, thành phố Cơ Long. Sư thường chủ trì Phật thất, hoằng truyền Tịnh Ðộ. Ở Ðài Loan, mỗi năm truyền tam đàn đại giới một hoặc hai lần, truyền giới tại gia nhiều lần, hầu như đại sư luôn đảm nhiệm một chức vị trong Tam Sư.
Lúc được suy cử làm Lý Sự Trưởng của hội Phật Giáo Trung Quốc, khi đại hội Hoa tăng thế giới khai mạc, sư lại được cử làm chủ tịch của chủ tịch đoàn đại hội. Ðức hạnh của sư vang dội cả hoàn cầu. Sư thường du hóa tại các nước Mỹ, Gia Nã Ðại, Nhật Bản, Ðại Hàn, Thái Lan, Tinh Châu (Singapore), Mã Lai, Cao Miên v.v… Hương Cảng là nơi sư thường đến để giảng kinh, truyền giới. Pháp duyên thù thắng, ít vị tăng nào bằng nổi.
Về già, sư sáng lập Năng Nhân Phật Học Viện để bồi dưỡng, đào tạo tăng tài hoằng dương Tịnh Tông. Cả một đời, sư thường ở khắp các chùa viện để giảng kinh, thuyết pháp, hoằng truyền Tịnh Ðộ ngũ kinh, nhất luận (3) [(3) Tịnh Ðộ ngũ kinh nhất luận: Kinh A Di Ðà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm, và chương Thế Chí Niệm Phật Viên Thông là Tịnh Ðộ ngũ kinh. Nhất luận là Vãng Sanh Luận của Bồ Tát Thế Thân]. Nhằm thích ứng với cơ duyên các nơi, Sư cũng thường giảng các kinh luận như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Ðịa Tạng, Khởi Tín Luận v.v… Giảng kinh luận nào, sư cũng đều quy hướng Tịnh Ðộ. Người nghe pháp khởi lòng tin, trì giới niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ chẳng biết là bao nhiêu!
Tiếc là những kinh, luận Sư đã giảng chưa được ghi chép đầy đủ, chỉ có những cuốn giảng lục kinh Di Ðà, Quán Kinh và Phật Ðường Giảng Thoại Ngũ Tập là được ấn loát và lưu hành trong đời, nhưng cũng đủ để làm chỉ nam phổ độ chúng sanh đồng quy Tịnh Ðộ.
Ngày mồng Hai tháng Chạp năm Dân Quốc 76 (1987), sư chợt thị hiện có bệnh, nằm điều dưỡng trong bịnh viện. Biết thời giờ đã đến, ngài liền phó chúc hậu sự. Ðêm ngày Rằm tháng Tư năm sau, Sư chợt bảo đồ chúng đang hầu cận đưa ngài về chùa Hải Hội. Sư ngồi ngay ngắn, hướng dẫn đại chúng niệm Phật. Một chốc sau, sư lên giường nằm an tường bên hông hữu, môi khẽ động niệm Phật. Ðến bảy giờ rưỡi tối hôm sau, giữa tiếng niệm Phật của đại chúng, sư an tường xả báo, vãng sanh Cực Lạc.
Ðến ngày 18, khi làm lễ đại liệm, toàn thân Sư vẫn mềm mại, sắc mặt như còn sống. Ngày mười ba tháng Năm, di quan trà tỳ, thu được hơn ngàn viên xá lợi ngũ sắc, chiếu sáng rực rỡ. Sư thọ 89 tuổi.
(theo Ðạo Nguyên Lão Pháp Sư Kỷ Niệm Tập)
Nhận định:
Ðại sư học pháp từ hai vị đại lão Từ Châu và Ấn Quang. Tiếp nối nghiệp thầy nên lấy Tịnh Luật song hoằng làm trách nhiệm, phổ khuyến đại chúng trì giới niệm Phật, hóa độ phổ cập khắp Trung Hoa lẫn hải ngoại. Từ sau lúc vị Tổ thứ mười ba của Tịnh Tông là Ấn Quang đại sư quy hồi An Dưỡng, chỉ có mình đại sư hoằng truyền Tịnh Tông, là chỗ hướng về của đại chúng.
Ngài đáng được tôn xưng là Tổ thứ mười bốn của Tịnh tông vì đã tiếp nối người trước, mở đường cho người sau, tiếp lối cũ, mở lối mới, ắt có lẽ tứ chúng trong Tịnh tông ta đều cùng tán đồng vậy!

Về Đầu Trang Go down
https://hoahaotanchau.forumvi.com
 
Thấy tướng lành chẳng nói
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Hiện bốn tướng lành, nhất định vãng sanh
» Lòng Lành Thay Tên Đổi Họ
» Hiện Bốn Thứ Tướng Lành Nhất Định Vãng Sanh Tây Phương
» Thầy Thích Chân Tính Vạch Trần Hiện Tượng Niệm Phật Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc
» SƯ BÀ THÍCH NHƯ PHỤNG THẤY PHẬT, THẤY CẢ CẢNH GIỚI TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
ƯỚC MONG THẾ GIỚI LÂN HÒA HẢO,NHÀ PHẬT CON TIÊN HÉ MIỆNG CƯỜI :: HƯỚNG TU PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ-
Chuyển đến